Trước áp lực do làn sóng “nhiễm bệnh” từ nước ngoài nhập cảnh vào biên giới, các quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á-Thái Bình Dương đã có hành động quyết liệt.
Mới nhất là Đặc khu hành chính Hong Kong. Hong Kong sẽ cấm du khách nước ngoài và khách quá cảnh tại thành phố bắt đầu từ ngày 24-3. Thêm vào đó, Hong Kong cũng sẽ cấm việc bán rượu tại hơn 8.000 cửa hàng. Đây được cho là những biện pháp mới nhất và mạnh nhất trong việc chống COVID-19 xâm nhập vào TP này, theo báo South China Morning Post.
Cụ thể, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) trong cuộc họp chiều 23-3 cho biết lệnh cấm đối với khách nước ngoài sẽ kéo dài 14 ngày, bắt đầu từ ngày 24-3.
Tất cả những ai không phải là cư dân Hong Kong khi đến sân bay đều sẽ bị cấm nhập cảnh. Những người đi có lịch sử du lịch từ Trung Quốc đại lục, Macau và Đài Loan cũng đều bị cấm. Còn những người đến trực tiếp từ Macau hay Đài Loan đều sẽ phải bắt buộc cách ly.
Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) trong cuộc họp báo ngày 23-3. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST
Thêm nữa, các quán bar, địa điểm giải trí trên toàn Hong Kong đều phải đóng cửa.
Chính quyền của bà Lâm đã chịu sức ép lớn về một lệnh cấm tương tự khi trước đó đảo Đài Loan và đảo quốc Singapore đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch.
Ngày 23-3, một bác sĩ được giao nhiệm vụ kiểm tra hành khách nhập cảnh tại sân bay quốc tế Hong Kong được xác định là một trong số ít nhất 10 người dương tính với COVID-19.
“Vị bác sĩ ấy chịu trách nhiệm chính trong việc ký giấy yêu cầu cách ly và phỏng vấn khách du lịch” - nguồn tin nói với South China Morning Post - “Vẫn chưa rõ nữ bác sĩ này nhiễm bệnh ra sao. Nếu được xác nhận, cô ấy có thể là bác sĩ đầu tiên ở Hong Kong nhiễm bệnh khi đang làm việc”.
Tính đến trưa 23-3 (giờ Hong Kong), Đặc khu hành chính Hong Kong ghi nhận 327 ca nhiễm COVID-19, trong đó đã có bốn ca tử vong.
Ngày 21-3, Singapore đã ra tuyên bố cấm nhập cảnh bắt đầu từ 23 giờ 39 phút ngày 23-3. Theo đó, lệnh cấm đối với cả du khách ngắn hạn hoặc quá cảnh qua sân bay quốc tế Changi, kể cả những người nước ngoài có thị thực làm việc tại Singapore cũng không được nhập cảnh, trừ trường hợp là những người hỗ trợ các hoạt động như chăm sóc sức khỏe và có người phụ thuộc.
Từ 23 giờ 50 phút ngày 23-3, Singapore bắt đầu cấm nhập cảnh cho du khách ngắn hạn đến đảo quốc này. Ảnh: REUTERS
Bộ trưởng Phát triển quốc gia Lawrence Wong - người được giao nhiệm vụ chỉ đạo công tác chống dịch COVID-19 tại Singapore cho biết việc đóng cửa biên giới là một quyết định khó khăn đối với một nền kinh tế nhỏ, mở như Singapore.
“Nhưng việc này là cần thiết để tránh các rủi ro do bệnh từ nước ngoài vào cũng như sự thiếu hụt các nguồn lực y tế có giá trị hiện nay tại Singapore” - ông Wong nói.
Cũng là một đầu mối giao thông của khu vực, Đài Loan cũng đóng cửa với tất cả những ai không phải là cư dân.
Đài Loan đã cấm nhập cảnh cho người nước ngoài và ra lệnh cho tất cả cư dân từ nước ngoài trở về phải tự cách ly trong hai tuần, theo kênh truyền hình Channel News Asia.
Các khu vực công cộng, nhà thờ tại Đài Loan trước đó cũng đã được yêu cầu đóng cửa. Ảnh: AFP
Đài Loan cũng chứng kiến sự gia tăng ca nhiễm bệnh trở lại do những người về từ nước ngoài trong bối cảnh đại dịch lan rộng toàn thế giới.
Tính đến trưa ngày 23-3, Đài Loan đã có hai trường hợp tử vong và tổng cộng có 195 ca nhiễm COVID-19. Trong đó, có 16 ca nhiễm mới là những người đã có lịch sử đi đến Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ và Anh.
Tại Trung Quốc đại lục, chính quyền trung ương tuyên bố tất cả hành khách quốc tế đến thủ đô Bắc Kinh sẽ được đưa đến 12 điểm cách ly trên toàn đất nước. Những người này sẽ trở lại Bắc Kinh nếu cho kết quả âm tính với COVID-19, theo South China Morning Post. Một số nơi khác như tỉnh An Huy, khu vực Nội Mông và thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam, cũng đã công bố các biện pháp tương tự.
Úc và New Zealand cũng đóng cửa biên giới với tất cả người nước ngoài mà không phải là thường trú nhân.
Các quốc gia khu vực Tây Á như Ấn Độ và Nepal cũng bắt đầu áp dụng các biện pháp cấm nhập cảnh.
Ấn Độ nói rằng từ ngày 13-3 nước này đã tạm dừng việc cấp thị thực du lịch và hạn chế đi lại đến hết ngày 15-4, ngoại trừ các tổ chức ngoại giao, quan chức Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế, theo tờ The New York Times.
Một nhóm học sinh đeo khẩu trang bước ra từ nhà ga xe lửa ở Kochi, Ấn Độ. Ảnh: REUTERS
Nepal thông báo du khách nước ngoài đến quốc gia này sẽ phải được cách ly trong vòng 14 ngày. Nepal sẽ tạm dừng việc cấp thị thực tại chỗ cho người nước ngoài từ ngày 14-3 đến 30-4. Người nước ngoài đã có thị thực Nepal từ trước, nếu muốn vào nước này phải trình chứng nhận sức khỏe âm tính với COVID-19 trong vòng bảy ngày.
Các quốc gia Đông Nam Á cũng tiếp tục các biện pháp chặt chẽ ngăn chặn bệnh "nhập cảnh" từ nước ngoài. Trong đó có Malaysia và Việt Nam.
Tại Malaysia, quốc gia này đã cấm du khách nhập cảnh và áp dụng các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế đi lại của người dân từ ngày 15-3 vừa qua.
Tại Việt Nam, từ ngày 22-3, theo chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, sẽ tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài, kể cả trường hợp mang giấy thị thực cho người gốc Việt và thân nhân. Ngoài ra Việt Nam cũng sẽ hạn chế và giãn cách tối đa các chuyến bay vận chuyển hành khách người nước ngoài vào Việt Nam.