Tình hình dịch COVID-19 ở Đông Nam Á tính đến thời điểm này vẫn hết sức căng thẳng. Đa số các nước đều mạnh tay hơn trong kiềm chế đà lây.
Indonesia có nguy cơ thành một tâm dịch mới
Với 55 người chết và 686 ca nhiễm, Indonesia đang là nước có dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cho rằng con số này chưa phản ánh thực chất vì tỉ lệ xét nghiệm quá ít ở nước này không nói lên được điều gì. Một nghiên cứu của một trung tâm tính toán bệnh truyền nhiễm ở Anh công bố đầu tuần rồi cho rằng chỉ mới 2% con số thực nhiễm được báo cáo. Con số thật sự có thể là 34.300, nhiều hơn cả Iran. Một số tính toán khác dự đoán thủ đô Jakarta - tâm dịch hiện tại có thể sẽ có tới 5 triệu người nhiễm vào cuối tháng 4.
Nhiều chuyên gia lo ngại Indonesia có thể trở thành một tâm dịch mới. Theo các chuyên gia, Indonesia đang phải gánh hậu quả vì sự phản ứng chậm của chính phủ.
Chết, nhiễm tăng làm hệ thống y tế Indonesia khủng hoảng trầm trọng. Hệ thống y tế Indonesia nghèo nàn hơn hẳn các nước đang có dịch nghiêm trọng khác cả ở châu Á lẫn châu Âu hay châu Mỹ, theo kênh CNA.
Một máy bay chở thiết bị y tế từ Trung Quốc sang hỗ trợ Indonesia. Ảnh: REUTERS
Đất nước 260 triệu dân này có 321.544 giường bệnh, tương đương 12 giường/10.000 dân. Tỉ lệ này ở Ý cao hơn 10 lần.
Indonesia chỉ có 4 bác sĩ/10.000 dân. Tỉ lệ này ở Hàn Quốc cao hơn 6 lần.
Hiện tại, mới chỉ vài trăm người nhập viện nhưng hệ thống y tế Indonesia đã cảm nhận sức căng, nhiều bác sĩ thừa nhận với hãng tin Reuters. Nhiều nhân viên y tế không có thiết bị bảo hộ, thậm chí bác sĩ phải mặc cả áo mưa khi chăm sóc người bệnh. Đã có 8 bác sĩ và 1 y tá nước này chết vì COVID-19, theo Hiệp hội Bác sĩ Indonesia.
Malaysia: Vi phạm đi lại có thể bị tù 6 tháng
Tới chiều 25-3, Malaysia có khoảng 1.800 ca nhiễm với 17 người chết, là nước có dịch nghiêm trọng thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia.
Thủ tướng Malaysia - ông Muhyiddin Yassin ngày 25-3 kéo dài lệnh kiểm soát đi lại thêm 14 ngày, tới ngày 14-4, đồng thời yêu cầu dân tuân thủ nghiêm ở trong nhà. Trước đó, Malaysia đã áp dụng lệnh kiểm soát đi lại từ ngày 18 đến 31-3.
“Tôi biết không dễ gì ở trong nhà một thời gian dài. Tôi chắc rằng có nhiều thách thức. Nhưng thực tế là chúng ta chưa bao giờ đối mặt với điều gì như thế này trước đây, và chúng ta phải kiềm chế nó càng sớm càng tốt. Lệnh kiểm soát đi lại tới thời điểm này cho thấy có giúp kiểm soát đà lây, nhưng chúng ta không thể quá vui mừng cho đến khi không còn ca nhiễm mới nào” - Thủ tướng Yassin nói.
Bộ Y tế Malaysia cũng nói dù số ca nhiễm mới có chựng lại những ngày gần đây nhưng hoàn toàn có thể tăng lại sớm.
Theo lệnh kiểm soát đi lại, công dân Malaysia không được ra nước ngoài, người nước ngoài không vào Malaysia. Hầu hết các trụ sở công và tư phải đóng cửa, trừ các lĩnh vực thiết yếu. Quân đội được triển khai ra các tuyến đường để giám sát. Người vi phạm có thể bị phạt 1.000 RM (hơn 5,2 triệu đồng) hoặc bị tù tới 6 tháng, hoặc cả hai.
Thái Lan đang có 934 ca nhiễm với 4 người chết. Bộ Y tế ngày 25-3 thông báo Thái Lan có tới 107 ca nhiễm mới trong ngày 24-3.
Phóng viên tại trụ sở chính phủ theo dõi Thủ tướng Prayut-o-cha tuyên bố sắc lệnh khẩn cấp trên truyền hình. Ảnh: BANGKOK POST
Ngày 25-3, Thủ tướng Prayut-o-cha tuyên bố sắc lệnh khẩn cấp trên truyền hình. Sắc lệnh bắt đầu có hiệu lực trên cả nước từ ngày mai (26-3) đến ngày 30-4.
Philippines: 4.500 du khách bị màn trời chiếu đất
Philippines đang có hơn 636 ca nhiễm và 38 người chết. Ngày 25-3, thượng nghị sĩ Aquilino “Koko” Pimentel III xác nhận mình nhiễm COVID-19.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết ít nhất đã có 2 công dân nước này ở nước ngoài (một ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một ở châu Âu) chết vì COVID-19, 169 công dân ở nước ngoài nhiễm.
Theo tin từ báo Inquirer, khoảng 4.500 du khách bị yêu cầu rời khỏi các khách sạn ở đảo Luzon và phải ngủ ngoài trời kể từ khi chính phủ tuyên bố áp lệnh “tăng cường phong tỏa cộng đồng” và hạn chế mọi đi lại toàn bộ đảo Luzon tuần trước. Đa phần du khách đến từ các nước Liên minh châu Âu (EU), ngoài ra còn có các nước Argentina, Úc, Canada, Na Uy, Hàn Quốc, Anh.
Phó trưởng phái bộ EU tại Philippines - ông Thomas Wiersing đề nghị Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr tổ chức các chuyến bay đưa 4.500 du khách này về nước, vì họ không thể tìm được chuyến bay trong hoàn cảnh này. Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr đã lên Twitter chỉ trích các khách sạn “đã không nương tay với cả phụ nữ có thai hay người đang bị bệnh” và đề nghị Bộ Du lịch liệt các khách sạn này vô danh sách đen. Ông Locsin cũng đề nghị Bộ Giao thông hỗ trợ số du khách này về nước.
Dựng lều cách ly người nghi nhiễm trong một sân bóng rổ ở thủ đô Manila (Philippines) trong bối cảnh các bệnh viện quá tải. Ảnh: INQUIRER
Báo Inquirer dẫn lời xác nhận của nghị sĩ Christopher Lawrence “Bong” Go - trợ lý Tổng thống Rodrigo Duterte rằng ông Duterte vừa ký luật cho phép mình có các quyền lực đặc biệt ra “các biện pháp khẩn cấp”, trong đó có điều phối các quỹ chính phủ chống dịch.
Cũng theo luật này, các nhân viên y tế bị lây nhiễm sẽ được bồi thường, người chết, người nhiễm cũng sẽ được hỗ trợ.
Singapore nỗ lực làm chậm đà nhiễm càng lâu càng tốt
Tại Singapore, số ca nhiễm tăng gấp đôi chỉ sau 1 tuần, từ 226 lên 558 hiện tại, trong đó 80% là nhiễm nhập cảnh (chủ yếu từ Anh, Mỹ, Indonesia). Con số này sẽ tăng cao trong những tuần tới vì Singapore vừa đón tới 200.000 người trở về, theo Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong.
Số người chết vẫn đang dừng ở 2 người.
Nhân viên y tế Bệnh viện Mount Elizabeth làm hồ sơ chuẩn bị đón một bệnh nhân COVID-19 nhập viện. Ảnh: ST
Từ ngày 26-3, Singapore cấm dân tụ tập hơn 10 người, đóng cửa các địa điểm giải trí đến ngày 30-4. Người trở về từ Mỹ, Anh sẽ phải cách ly 14 ngày tại khách sạn. Người nào vi phạm sẽ bị phạt 10.000 USD hoặc 6 tháng tù, hoặc cả hai. Thường trú nhân Singapore nếu rời khỏi Singapore từ ngày 27-3 thì sau này sẽ không được hỗ trợ tài chính khi điều trị bệnh COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong cho biết chiến lược hiện tại của chính phủ vẫn là làm chậm đà nhiễm, duy trì mức nhiễm thấp càng lâu càng tốt, tránh để hệ thống y tế quá tải.
Người dân ở khu phố Tàu tại Singapore. Ảnh: CNA
Singapore đã áp dụng nhiều biện pháp với hy vọng “làm thẳng đường cong”, phát hiện các ca nhiễm sớm, sớm truy được lịch sử tiếp xúc của các ca nhiễm này để ngăn chặn đà lây. Ông Gan Kim Yong cho biết chính phủ sẽ triển khai thêm nhiều đội truy tìm lịch sử tiếp xúc của các ca nhiễm.
Với cách làm này, theo ông Gan Kim Yong, đại dịch có thể sẽ bị kéo dài hơn, chậm kết thúc hơn nhưng sức tàn phá sẽ ít hơn. Nếu Singapore không làm gì thì tình hình sẽ giống như một số nước đang oằn mình với hàng ngàn người chết, hàng chục ngàn người nhiễm.
Việt Nam thời điểm này có 134 ca nhiễm. Brunei 104 ca nhiễm. Campuchia có 93 ca nhiễm. Myanmar 3 ca. Lào 2 ca.