Malaysia vẫn là nước nóng nhất Đông Nam Á về tình hình dịch COVID-19. Trong ngày 21-3 Malaysia thông báo có thêm bốn người chết, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên tám. Trong bốn ca tử vong mới có hai người từng tham gia sự kiện tôn giáo quy mô 16.000 người ở nước này.
Hai người chết ngày 21-3 từng tham gia sự kiện tôn giáo 16.000 người ở đền thờ Masjid Jamek Sri Petaling gần Kuala Lumpur (Malaysia). Ảnh: ST
Malaysia có tới 153 ca nhiễm mới trong ngày 21-3, đưa tổng số ca nhiễm nước này lên 1.183 tính đến ngày 21-3. Trong số người nhiễm có 24 nhân viên y tế.
Dù số ca nhiễm không bằng Malaysia nhưng Indonesia đứng đầu Đông Nam Á về số người chết: 38 người trong 450 ca nhiễm. Theo báo Jakarta Post, Indonesia đang đứng trước thời điểm quan trọng, có nguy cơ sẽ bùng phát dịch nghiêm trọng gây quá tải hệ thống y tế nếu không xử lý đúng.
Chăm sóc một bệnh nhân nghi nghiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Bali (Indonesia). Ảnh: AFP
Nhà chức trách Bali xác nhận một nam giới người Pháp 72 tuổi ngã chết trên vệ đường ở đảo Bali sáu ngày trước dương tính với virus gây dịch COVID-19. Ban đầu người này được cho chết vì lên cơn đau tim.
Chính quyền thủ đô Jakarta ban hành tình trạng khẩn cấp trong hai tuần ở thủ đô và có thể kéo dài tùy theo tình hình. Chính quyền Jakarta yêu cầu các công ty, tổ chức, các nhóm tôn giáo có biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Các công ty được yêu cầu đóng cửa, cho nhân viên làm việc ở nhà, nếu không thể thì hạn chế tối thiểu số nhân viên đến chỗ làm. Từ đầu tuần sau, cảnh sát, binh sĩ sẽ được triển khai ở Jakarta để giám sát.
Du khách ở Bali đầu tuần này. Ảnh: JAKARTA POST
Tổng thống Joko Widodo tới thời điểm này vẫn kiềm chế áp dụng biện pháp phong tỏa, thay vào đó lệnh mở rộng xét nghiệm để kiềm chế đà lây.
Nước Đông Nam Á có dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ ba là Philippines với 307 ca nhiễm (77 ca nhiễm mới trong ngày 21-3, mức cao nhất một ngày từ đầu dịch), 19 người chết. Ca tử vong mới trong ngày 21-3 là một nhân viên Quốc hội Philippines.
Một chốt kiểm soát phong tỏa ở Manila (Philippines). Ảnh: CNN
Từ ngày mai (22-3), người nước ngoài sẽ bị cấm nhập cảnh vào Philippines, ngoại trừ quan chức các chính phủ và các tổ chức nước ngoài.
Vì lệnh “tăng cường cách ly cộng đồng”, đảo Luzon đã có hơn 500 công ty, nhà máy phải tạm đóng cửa. Một số công ty lớn hỗ trợ trước nhân viên một tháng lương.
Singapore ngày 21-3 gây chú ý lớn với hai người chết - một phụ nữ Singapore 74 tuổi và một nam giới Singapore 64 tuổi. Số người nhiễm hiện lên tới 385, trong đó có một lượng lớn ca nhập cảnh.
Giữ khoảng cách khi đi mua hàng ở Singapore. Ảnh: ST
Thủ tướng Lý Hiển Long nói chính phủ đang làm hết sức có thể để ngăn chặn đà lây lan nhưng người dân cần ủng hộ và tuân thủ các biện pháp chính phủ đã đề ra.
Hiện ngoài các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, truy nguồn tiếp xúc, phong tỏa, cách ly tại nhà, Singapore đã áp dụng thêm biện pháp giữ khoảng cách an toàn giữa các cá nhân, giảm tụ tập.
Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục trong ngày 21-3: 89 người, đưa tổng số ca nhiễm lên 411, trong đó có một người chết, 366 người còn điều trị trong bệnh viện. 2/3 số ca nhiễm là ở Bangkok.
Người tình nguyện làm vệ sinh một khu chợ ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 20-3. Ảnh: AP
Bộ Y tế Công cộng nói các ca nhiễm gần đây là những người trẻ, ở độ tuổi lao động. Một lý do khiến họ bị lây nhiễm là vẫn tụ tập, không giữ khoảng cách với người khác. Thái Lan khuyến cáo dân tránh các địa điểm công cộng đông người, làm việc tại nhà. Những ai từng tham gia các sự kiện đông người nên tự cách ly 14 ngày.
Khử khuẩn một khu vực bán thú nuôi ở Bangkok (Thái Lan) ngày 20-3. Ảnh: BANGKOK POST
Brunei 73 ca nhiễm, chưa có người chết. Campuchia 47 người nhiễm, chưa có người chết.
Việt Nam 87 người nhiễm, chưa có người chết.
Hai nước Lào, Myanmar chưa thông báo có ca nhiễm hay người tử vong.