Tại Trung Quốc - nước xuất phát dịch, ngày 14 và 15-3 là hai ngày liên tiếp nước này ghi nhận số ca nhiễm nhập cảnh cao hơn số ca nhiễm nội địa, theo hãng tin Reuters.
Ngày 15-3 sân bay Bắc Kinh bắt đầu siết chặt nhập cảnh với người đến từ nước ngoài. Và từ ngày 16-3 hành khách đến Bắc Kinh từ nước khác bị chuyển trực tiếp sang một trung tâm cách ly để kiểm tra sức khỏe trong 14 ngày.
Khách nước ngoài đến Bắc Kinh sẽ phải chịu cách ly 14 ngày. Ảnh: REUTERS
Tính tới thời điểm này tại Trung Quốc đại lục đã có 3.203 người chết, 80.894 ca nhiễm, 66.981 ca được chữa khỏi.
Hàn Quốc ngày 15-3 ghi nhận thêm ba người chết, đưa số ca tử vong nước này lên 75. Số ca nhiễm mới trong ngày là 76, đưa tổng số ca nhiễm lên 8.162, theo hãng thông tấn Yonhap.
Đây là lần đầu tiên từ ngày 21-2 số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc xuống dưới 100.
Khử trùng một trường học ở Daegu (Hàn Quốc) ngày 15-3. Ảnh: YONHAP
Bắt đầu từ ngày 15-3, Hàn Quốc siết chặt nhập cảnh với hành khách đến từ Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan. Các hành khách này phải tải một ứng dụng trên điện thoại và khai báo y tế. Trước đó Hàn Quốc đã áp dụng biện pháp tương tự với hành khách đến từ Trung Quốc, Ý, Iran, Nhật.
Trong khi đó tính đến ngày 15-3 có tổng cộng 137 nước và vùng lãnh thổ cấm nhập cảnh hoặc áp dụng các biện pháp cách ly với hành khách đến từ Hàn Quốc.
Tính tới ngày 15-3 Nhật có 29 người chết, gồm cả bảy người trên du thuyền Diamond Princess. Tổng số ca nhiễm ở Nhật là 1.484, tăng 62 ca so với ngày trước đó, theo đài NHK. Trong tổng số ca nhiễm này có 773 ca trong lãnh thổ Nhật, 697 ca trên du thuyền Diamond Princess, 14 ca từ Vũ Hán (Trung Quốc) sang.
Một cụ bà ngồi lặng lẽ bên đường phố Tokyo ngày 15-3. Ảnh: JAPAN TIMES
Thủ tướng Shinzo Abe nói vẫn chưa đến mức tuyên bố tình trạng khẩn cấp và quyết định vẫn sẽ tổ chức đại hội thể thao Olympic Mùa hè.
Ngày 15-3 Philippines thông báo có thêm ba người chết vì COVID-19. Một trong ba người chết là một nam công dân Mỹ 86 tuổi, có lịch sử đi lại từ Mỹ và Hàn Quốc sang, Reuters dẫn thông báo từ Bộ Y tế Philippines.
Ngoài ba ca chết Philippines ghi nhận thêm 29 ca nhiễm mới. Như vậy tính tới thời điểm này số người chết vì COVID-19 ở Philippines là 11, tổng cộng 140 ca nhiễm.
Hôm nay thủ đô Manila bắt đầu ngày phong tỏa đầu tiên và sẽ kéo dài một tháng. Đi lại đường bộ, đường biển và đường hàng không đến và đi khỏi Manila đều bị cấm.
Một chốt kiểm soát COVID-19 ở Philippines. Ảnh: CNA
Ngoài ra, chính quyền Manila đang xúc tiến ra sắc lệnh thiết lập giới nghiêm ở thủ đô từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau mỗi ngày để ngăn dịch lây lan. Quyết định có thể sẽ có vào ngày mai (16-3), theo báo Inquirer.
Ngày 15-3 Indonesia thông báo có năm người chết và thêm 21 ca nhiễm mới (trong đó 19 ca ở thủ đô Jakarta), đưa số tổng ca nhiễm nước này lên 117.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói ông sẽ làm xét nghiệm. Một số bộ trưởng chính phủ Indonesia cũng đã làm xét nghiệm. Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Budi Karya Sumadi đã nhập viện ở thủ đô Jakarta vì nhiễm COVID-19.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (ngồi, trái) có cuộc họp nội các trong đó có Bộ trưởng Giao thông Budi Karya Sumadi (ngồi bên cạnh) ngày 12-3. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Widodo cũng đề nghị mọi người làm việc tại nhà, tránh tụ tập.
Theo thông tin từ Jakarta Post ngày 14-3 thì Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã viết thư đề nghị Tổng thống Indonesia Joko Widodo có biện pháp ngăn đà lây, bao gồm cân nhắc “tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia”. Bức thư được gửi đến ông Widodo ngày 11-3.
Ngày 15-3 Malaysia thông báo ghi nhận tới 190 ca nhiễm mới, phần lớn liên quan đến một sự kiện tôn giáo, Reuters dẫn thông tin từ Bộ Y tế nước này.
Đáng lo ngại, sự kiện tôn giáo này diễn ra tại một đền thờ gần thủ đô Kuala Lumpur với khoảng 16.000 người từ nhiều nước đến tham gia, trong đó 14.500 người là công dân Malaysia. Bộ Y tế Malaysia cho biết mọi cá nhân tham gia sự kiện tôn giáo này và những người tiếp xúc gần với họ sẽ phải cách ly 14 ngày.
Mang khẩu trang mua đồ siêu thị ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 15-3. Ảnh: REUTERS
Như vậy tính đến thời điểm này Malaysia có 428 ca nhiễm. Thủ tướng Muhyiddin Yassin cảnh báo Malaysia đang đối mặt với “làn sóng lây nhiễm thứ hai”, đồng thời cảnh báo kinh tế có thể bị ảnh hưởng nặng.
Thái Lan đến lúc này có một người chết, 114 ca nhiễm. Số ca nhiễm mới trong ngày 15-3 là 32 - mức tăng cao nhất một ngày trước nay, theo kênh CNA.
Máy đo nhiệt độ hành khách tại khu nhập cảnh sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok (Thái Lan) ngày 14-3. Ảnh: REUTERS
Từ ngày mai (16-3) Thái Lan sẽ ra mắt một trung tâm đối phó COVID-19 do Thủ tướng chủ trì với các hoạt động hạn chế người vào Thái Lan, đóng cửa các địa điểm giải trí có nguy cơ lây nhiễm cao, hủy các sự kiện tụ tập đông người. Hành khách đến Thái Lan sẽ bị chia ra làm ba nhóm để giám sát, dựa vào nơi đến của những người này.
Singapore yêu cầu người nhập cảnh mà có lịch sử đến các nước ASEAN (trừ người qua bằng đường bộ và đường biển từ Malaysia), Nhật, Thụy Sĩ, Anh gần đây phải tự cách ly ở nhà 14 ngày. Quy định bắt đầu áp dụng từ ngày 17-3 và cả đối với công dân Singapore, theo kênh CNA.
Singapore khuyến cáo công dân không đi nước ngoài nếu không cần thiết trong 30 ngày. Singapore đang có 212 ca nhiễm, chưa có người chết.
Brunei ngày 15-3 cấm công dân và người nước ngoài sống tại nước này ra nước ngoài. Bộ Y tế Brunei cho biết nước này đang có 50 ca nhiễm tính tới ngày 15-3, tăng tới 10 ca so với ngày trước đó.
Brunei đang có 50 ca nhiễm. Ảnh: AFP
Kể từ khuya nay (15-3) Úc sẽ cách ly người nước ngoài nhập cảnh trong 14 ngày, theo lời Thủ tướng Úc Scott Morrison. Úc cấm tàu du lịch nước ngoài nhập cảnh trong 30 ngày. Úc đã có ba người chết và hơn 250 ca nhiễm.