Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có buổi họp về tình hình cung cấp khí cho sản xuất điện. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS).
Những ngày qua, tình hình thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài dẫn đến nhu cầu phụ tải hệ thống điện tăng cao. Cuộc họp nhằm phối hợp tìm giải pháp tăng cung cấp khí cho sản xuất điện, đáp ứng nhu cầu lưới điện quốc gia đang cấp bách trong nửa cuối tháng 5 và có thể kéo dài đến đầu tháng 6 -2023.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì cuộc làm việc với PVN, EVN về cung cấp khí cho sản xuất điện. Ảnh: HC |
Tại buổi làm việc, EVN đã báo cáo tình hình cấp khí cho sản xuất điện 4 tháng đầu năm 2023. EVN đang bám sát kế hoạch được Bộ Công Thương giao và đánh giá cao sự phối hợp giữa Trung tâm điều độ khí của PV GAS và Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia trong việc điều động và cung ứng khí trong thời gian qua.
Trong giai đoạn căng thẳng của hệ thống điện từ nay đến tháng 6 năm 2023, EVN đề nghị PV GAS hỗ trợ xem xét ưu tiên cấp khí tối đa cho sản xuất điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải, đồng thời có các giải pháp tăng cấp khí cho điện cao hơn so với kế hoạch cấp khí năm 2023 đã được PV GAS thông báo.
Dự án kho chứa LNG Thị Vải dự kiến cấp khí tái hóa cho các hộ tiêu thụ từ tháng 7-2023. Ảnh: HC |
Ông Dương Mạnh Sơn, Phó Tổng Giám đốc PVN kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị PV GAS cho biết, tính đến hết tháng 4, sản lượng khí cấp cho sản xuất điện tại khu vực Đông Nam bộ đạt 1,525 tỉ m3 và Tây Nam bộ đạt 0,388 tỉ m3.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, để tăng khả năng cấp khí cho các nhà máy điện, PV GAS đã thực hiện đồng bộ các giải pháp bao gồm: Tối ưu hóa lịch bảo dưỡng sửa chữa của các nhà máy xử lý khí, tích trữ khí trong đường ống vào các giờ thấp điểm giúp gia tăng sản lượng khí vào giai đoạn cao điểm, tăng cường rà soát, kiểm tra để tăng độ tin cậy của thiết bị trong hệ thống khí, chủ động làm việc với các chủ mỏ tăng tối đa khả năng cấp khí.
Bên cạnh đó, PV GAS cũng đã làm việc với Petronas và Hibicus tiếp nhận toàn bộ lượng khí PM3-CAA về Việt Nam từ tháng 3-2023 khi nhu cầu khí của các nhà máy điện tăng cao.
PV GAS cũng cập nhật tình hình triển khai công tác chạy thử kho LNG Thị Vải với công suất 1,4 tỉ m3 khí/năm. Dự kiến, kho LNG Thị Vải có thể cấp khí tái hóa cho các hộ tiêu thụ trong tháng 7-2023.
Trong bối cảnh nguồn cung khí trong nước suy giảm nhanh và nhu cầu khí cho sản xuất điện tăng cao, lãnh đạo PVN kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt cơ chế phân bổ nguồn khí LNG tái hóa cho các nhà máy điện tại khu vực Đông Nam bộ từ năm 2023 trở đi.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của PVN và PV GAS trong việc thực hiện các giải pháp duy trì và tăng cấp khí cho sản xuất điện trong thời gian vừa qua, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đối với nhu cầu khí cho sản xuất điện đang cấp bách trong hai tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6-2023, ông Hồ Sỹ Hùng đề nghị PV GAS tiếp tục làm việc với các chủ mỏ để tăng tối đa khả năng cấp khí trong giới hạn kỹ thuật cho phép. PV GAS cũng cần xem xét khả năng cân đối điều chỉnh sản lượng khí cấp cho các hộ tiêu thụ ngoài điện.
Đối với giải pháp mang tính dài hạn cho tình trạng thiếu nhiên liệu cho sản xuất điện, ông Hồ Sỹ Hùng đề nghị EVN chủ động nghiên cứu, cân đối và tính toán bổ sung nguồn khí LNG vào hệ thống sản xuất điện để sẵn sàng tiếp nhận nguồn khí LNG trong thời gian tới.
Ngày 16-5, EVN đã có văn bản gửi PVN, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC). EVN mong muốn hai đơn vị này hỗ trợ, ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện trong hai tháng cao điểm mùa khô (tháng 5 và 6). Trong đó, EVN đề nghị trước mắt xem xét cho ngừng toàn bộ hai nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay đến hết tháng 5.