“Thu hồi 70.000 tỉ đồng nợ đọng thuế là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong phiên họp Chính phủ cuối tháng, ngày 27-11. Đây là một giải pháp quan trọng để đảm bảo cân đối ngân sách, trong tình hình ngân quỹ quốc gia đang bị hụt thu, dẫn tới phải vay nợ nhiều, nợ công tăng cao.
Năm 2016 phấn đấu tăng trưởng 6,7%
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và cả 11 tháng, Chính phủ đánh giá hầu hết các lĩnh vực tiếp tục chuyển biến tích cực. Trong đó, biểu hiện đáng chú ý là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng 9,4%. Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu lo ngại như sản xuất, tiêu thụ nông sản còn khó khăn; một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược giảm cả giá, cả lượng. Rồi số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng từ đầu năm tới nay có tốc độ tăng luôn thấp hơn mức tăng của tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế...
Trong tình hình chung ấy, tăng trưởng kinh tế 11 tháng cho thấy khả năng cả năm 2015 sẽ ở mức trên 6,5%. Nếu các chính sách, chủ trương được thực hiện tốt thì năm 2016 sẽ phấn đấu tăng trưởng 6,7%. Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cải cách mạnh mẽ để năm 2016 đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam vào nhóm đầu ASEAN. Cải cách hành chính phải vừa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích cộng đồng.
“Cái nào cần thì vẫn phải kiểm soát, không được buông lỏng. Không thể vì thuận lợi cho một người, lợi ích của một người mà có hại cho nhiều người” - Thủ tướng lưu ý.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN
Không thể cấm lãnh đạo sắp hưu bổ nhiệm cán bộ
Tại cuộc họp báo Chính phủ tổ chức tối cùng ngày, trước câu hỏi về khả năng kéo giảm lãi suất cho vay xuống hơn nữa để doanh nghiệp phát triển sản xuất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Hiện chỉ có quy định về trần lãi suất nên các ngân hàng thương mại tùy khả năng, vẫn có thể điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, bà Hồng cho rằng không thể chủ quan vì lạm phát đang thấp mà kéo giảm lãi suất. Bởi các tín hiệu cho thấy khi kinh tế phục hồi tăng trưởng thì cầu trong nước tăng trở lại. Khả năng lạm phát 2016 sẽ khó ở mức 2% như 2015 và thực tế chỉ tiêu định hướng của Quốc hội (QH) là 5%. Cũng theo bà Hồng, lãi suất cho vay hiện tại đã trở về mức của 2005-2006, giai đoạn nền kinh tế phát triển khá ổn định.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu QH Nguyễn Đình Quyền (nếu được làm lãnh đạo Văn phòng QH thì có thể sa thải 40% nhân viên) và đề nghị của đại biểu QH Nguyễn Bá Thuyền (nên cấm lãnh đạo chuẩn bị nghỉ hưu bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng các đánh giá này nên được xem xét kỹ lưỡng. Bởi việc giảm biên chế nhiều hay ít còn tùy thuộc vào chất lượng công chức, viên chức ở từng đơn vị. Bản thân chính sách tinh giản biên chế mà Chính phủ đang triển khai không chỉ nhằm vào giảm số lượng, mà trước hết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công vụ. Nếu chỉ tính riêng chỉ tiêu số lượng thì QH vừa ra nghị quyết yêu cầu từ nay tới 2021 giảm 10% tổng biên chế, tức mỗi năm bình quân giảm 1,5%. Điều này là có thể đạt được bằng quy định cứng “ra hai vào một” hiện đã được áp dụng.
Ông Tuấn nhấn mạnh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cho đến trước ngày nghỉ hưu vẫn phải thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình. Với bất cứ cơ quan nào, tinh giản biên chế, tuyển dụng, bổ nhiệm cũng là công việc thường xuyên, không thể vì thủ trưởng sắp nghỉ mà dừng. “Nhưng cần lưu ý trách nhiệm của thủ trưởng trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm không dừng lại khi người đó nghỉ. Nếu có sai sót, vi phạm thì kể cả đã nghỉ hưu rồi, khi thanh tra vào kết luận, người đó vẫn phải chịu trách nhiệm” - ông Tuấn nhấn mạnh.