Thứ Sáu tuần trước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Marise Payne cùng Ngoại trưởng Julie Bishop đã gặp người đồng cấp vương quốc Anh Gavin Williamson và Ngoại trưởng Jeremy Hunt tại Edinburg, Scotland.
Hai bên đã thảo luận về việc triển khai tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth - chiến hạm lớn nhất của hải quân hoàng gia tới Thái Bình Dương trong bối cảnh hoạt động của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong khu vực. Kế hoạch dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020. Phát biểu trước báo giới, ông Williamson cho biết phạm vi nhiệm vụ của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth có thể bao gồm các nhiệm vụ thực thi quyền tự do hàng hải ở biển Đông.
Ông Williamson cũng nói thêm rằng có một “mối đe dọa tàu ngầm” ngày càng tăng ở Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Anh cũng chia sẻ rằng Anh đang tăng cường sự hiện diện ngoại giao của mình và sẽ mở thêm nhiều đại sứ quán ở khu vực này.
Đề cập đến những thách thức trong “các tiêu chuẩn và điều ước” quốc tế ở khu vực Thái Bình Dương, bộ trưởng Ngoại giao Úc nói: “Vào những thời điểm căng thẳng trên chính trường quốc tế như hiện nay, việc những nước có suy nghĩ cùng nhau hợp tác là tối quan trọng. Chúng tôi không thể vui mừng hơn khi vương quốc Anh sẽ ngày càng thể hiện vai trò của mình tại Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Đầu năm nay, Cố vấn an ninh quốc gia Anh Mark Sedwill đã nói rằng hạm đội tàu Queen Elizabeth sẽ cần sự hợp tác từ các lực lượng đối tác trong công tác triển khai chiến đấu. Tàu sân bay Elizabeth được dự kiến sẽ được biên chế kèm theo một số tàu khu trục tấn công nhằm bảo vệ trước các mối đe dọa từ tàu ngầm và máy bay.
Năm nay cũng là năm đầu tiên Anh triển khai ba tàu chiến đến Thái Bình Dương kể từ năm 2013. Một tàu sân bay hoàng gia khác là HMS Sutherland đã tiến hành tập trận với hải quân Úc vào tháng 3 và cũng đã tuần tiễu qua khu vực biển Đông.