Tây Nguyên, Đồng Nai: Chín người chết, mất tích do lũ

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, mưa lớn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai khiến tám người chết và một người mất tích.

Nhà ngập, bè cá, hoa màu hư hại

Cụ thể, tại Gia Lai có một người chết, Đắk Lắk một người, Đắk Nông ba người, Kom Tum hai người, Lâm Đồng một người, Đồng Nai một người mất tích.

Mưa lũ cũng làm gần 1.500 căn nhà; hơn 10.000 ha lúa, hoa màu bị ngập trong lũ.

Tại Đồng Nai, trong đêm 8 và ngày 9-8, lũ về nhanh, gây ngập nhiều nơi ở huyện Tân Phú và Định Quán. Lũ cũng cuốn mất tích một người dân ở xã Phú Thịnh, huyện Định Quán; nhiều bè cá ven sông Đồng Nai bị vỡ, cá chết trắng bè...

Hiện mưa lớn vẫn đang tiếp tục xảy ra và nguy cơ ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất vẫn thường trực.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, Đồng Nai huy động mọi lực lượng sẵn sàng triển khai nhiệm vụ phòng, chống bão lũ giúp dân. “Từ tối qua đến sáng nay, địa phương đã huy động lực lượng di dời khẩn cấp hơn 700 hộ dân ở bốn xã đến nơi an toàn” - Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Võ Tuấn Dũng cho biết.

Liên quan đến nguy cơ vỡ đập thủy điện Đắk Kar (Đắk Nông) do sự cố kẹt van khi mưa lũ, ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch tỉnh Đắk Nông, cho biết: Hiện mực nước đã hạ xuống gần 3 m, đang cho xả đáy an toàn và khó có nguy cơ vỡ đập.

Ông Nguyễn Văn Viện, Bí thư Huyện ủy Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông, nơi có đập thủy điện Đắk Kar), cho hay: Mực nước đã rút xuống ở mức an toàn nhưng các cơ quan chức năng vẫn đang túc trực để theo dõi và cảnh báo người dân địa phương không lại gần, đồng thời sẵn sàng ứng cứu nếu có sự cố.

Trước đó, thủy điện Đắk Kar (dung tích 13 triệu mét khối) đang thi công nhưng kẹt cửa van làm nước tràn gây sạt lở chân đập, đe dọa an toàn của các khu vực dân cư ở các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và Lâm Đồng…

Lũ gây ngập nhà dân ở Đồng Nai. Ảnh: VŨ HỘI 

Cơ quan chức năng giúp dân di dời tài sản khỏi vùng lũ nguy hiểm. Ảnh: VH 

Đèo Bảo Lộc sạt lở, giao thông tê liệt

Mưa to gây sạt lở nghiêm trọng trên đèo Bảo Lộc làm giao thông trên tuyến đường này tê liệt.

Theo ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, từ đêm 8-8 sạt lở nằm trên đèo Bảo Lộc, thuộc quốc lộ 20 đoạn qua TP Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai, giao thông tê liệt hai chiều hàng chục km.

Sạt lở cũng làm một xe khách loại 50 chỗ và một xe bảy chỗ bị đất trên cao rơi xuống hất xuống vực. Rất may đoạn đường này có nhiều cây rừng và bụi tre chặn lại. Hiện nay chưa thể thống kê thiệt hại về người, lực lượng chức năng TP Bảo Lộc kết hợp với huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đang nỗ lực giải phóng mặt bằng.

“Đoạn đường quốc lộ 20 thuộc quyền quản lý của Chi cục Quản lý đường bộ IV.1, thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Hiện đơn vị này đang tiến hành rà soát lại toàn bộ taluy dương trên tuyến đường huyết mạch do chi cục quản lý” - ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng.

Đến trưa 9-8, đoạn đường đã được dọn dẹp, giao thông thông suốt trở lại.

Ông Bùi Duy Anh, Chi cục trưởng Chi cục 4.1 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết tình trạng sạt lở ở đèo Bảo Lộc trên quốc lộ 20 diễn ra khá bất ngờ.

Đặc thù của địa bàn miền núi thì các tuyến đường như quốc lộ 20 được coi đây là địa bàn xung yếu, trong đó đèo Bảo Lộc thuộc Công ty CP BOT quốc lộ 20 quản lý, nâng cấp và bảo trì.

Trường hợp xuất hiện mưa lớn, thường xuyên gây sạt lở thì chi cục sẽ yêu cầu đơn vị khai thác tiến hành kiểm tra, giám sát. Đèo Bảo Lộc cũng có một số địa điểm xung yếu, tuy nhiên điểm sạt lở không nằm trong vị trí đó.

Vì sao Tây Nguyên ngập lụt bất thường?

Theo ông Tạ Đăng Hoàn, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Tây Nguyên, khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện mưa lớn bất thường tại nhiều khu vực. Tổng lượng mưa trong hơn hai ngày (từ ngày 6 đến 9-8) gấp nhiều lần so với tổng lượng mưa của 10 ngày đầu tháng 8 hằng năm (một tuần khí tượng).

Cụ thể, tại Đắk Lắk nhiều vị trí lượng mưa đo được trong hơn hai ngày vượt hơn 300% so với trung bình 10 ngày đầu tháng 8 hằng năm (Đắk Nông vượt 200%; Lâm Đồng 350%-400%; cá biệt có những nơi vượt đến 500% so với cùng kỳ hằng năm).

“Theo tổng hợp số liệu nhanh của đài, chưa bao giờ nhiều địa phương tại Tây Nguyên lại xuất hiện mưa lớn dồn dập, như vậy chỉ trong vòng hơn hai ngày. Lượng mưa lớn khiến nhiều con suối, dòng sông nhỏ không thoát nước kịp dẫn tới lũ và sạt lở đất” - ông Hoàn nói.

Ông cho hay tháng 8 hằng năm, khi xuất hiện gió mùa Tây Nam thì Tây Nguyên xuất hiện vào lúc chiều tối. Những ngày qua, cùng với gió mùa Tây Nam, Tây Nguyên cũng chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới (đường hội tụ giữa hai đới gió Đông Bắc với gió Tây Nam trên vùng nhiệt đới) gây mưa lớn kỷ lục.

Hiện tượng thời tiết trên cũng gây mưa to cho khu vực đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Dự báo trong 2-3 ngày tới tiếp tục có mưa nhưng cường độ không lớn như những ngày qua. Từ ngày 11-8 mưa sẽ giảm dần rồi chấm dứt khi gió mùa Tây Nam yếu dần.

TRỌNG PHÚ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm