Tên lửa tầm xa, viên đạn bạc hay thùng thuốc súng với xung đột Nga - Ukraine?

(PLO)- Ngày càng nhiều lời kêu gọi từ Ukraine về việc cho phép nước này sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga, đặt ra câu hỏi về tác động tiềm tàng nếu Kiev nhận được sự chấp thuận từ phương Tây.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

Những ngày qua, tranh luận về khả năng phương Tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất để tấn công lãnh thổ Nga trở nên nóng hơn bao giờ hết, trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tích cực vận động Mỹ và đồng minh đáp ứng yêu cầu trên khi ông tham dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Kiev cho rằng tên lửa tầm xa phương Tây sẽ giúp quân đội nước này làm suy yếu hệ thống phòng không Nga và phá hủy các sân bay nơi máy bay Nga xuất kích tấn công cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng các cuộc không kích do phương Tây hậu thuẫn nhằm vào Nga sẽ kéo các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào cuộc chiến.

Đến nay, những tính toán của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Lầu Năm Góc về vấn đề này vẫn mơ hồ. Trong 2 năm rưỡi chiến sự, chính quyền Mỹ đã nỗ lực cân bằng giữa việc hỗ trợ Ukraine chống lại Nga, ngăn chặn một cuộc xung đột lớn hơn ở châu Âu và duy trì kho vũ khí của Washington.

Câu chuyện về tên lửa tầm xa tấn công Nga chính là thách thức tiếp theo của Mỹ trong nỗ lực cân bằng trên.

Tên lửa tầm xa - viên đạn bạc hay thùng thuốc súng cho xung đột Nga - Ukraine?
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, thủ đô Washington D.C, (Mỹ) ngày 26-9. Ảnh: EFE

Những gì Ukraine muốn

Tờ USA Today dẫn thông tin từ truyền thông Ukraine rằng Kiev đã từng triển khai một vũ khí chính xác tầm ngắn đến khu vực biên giới để phá hủy các sở chỉ huy và kho tiếp tế của Nga. Vũ khí này đã phát huy tác dụng, buộc quân đội Nga phải di chuyển các cơ sở quân sự nhạy cảm ra xa tiền tuyến hơn.

Ukraine hiện muốn đưa cuộc chiến tiến sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa hơn.

Kiev đã có vũ khí chính xác tầm xa do phương Tây cung cấp, bao gồm Hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS với tầm bắn lên tới 305 km và tên lửa Storm Shadow của Anh (tương đương SCALP của Pháp) có tầm bắn khoảng 250 km.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng các hệ thống này để nhắm mục tiêu chính xác ở tầm xa nhất đòi hỏi sự hướng dẫn về kỹ thuật mà chỉ Lầu Năm Góc mới có thể cung cấp.

Mỹ đã thay đổi chính sách để cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ tấn công bên trong nước Nga gần biên giới Ukraine. Tuy nhiên, lệnh cấm tấn công các mục tiêu ở tầm xa vẫn còn hiệu lực, USA Today dẫn lời một quan chức Mỹ (giấu tên).

Quan chức này cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang có những cuộc thảo luận về việc cho phép Ukraine tấn công tên lửa sâu hơn nhưng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.

Tên lửa tầm xa là viên đạn bạc cho Ukraine

Theo chuyên gia Fred Kagan, thành viên cấp cao tại viện nghiên cứu American Enterprise Institute, Nga dựa vào các căn cứ bên ngoài tầm bắn hiện tại của tên lửa Ukraine để tiến hành các cuộc không kích và tích trữ vũ khí trong nước để phát động các cuộc tấn công trên bộ, mang lại cho Moscow “lợi thế rất lớn”.

“Ukraine càng có khả năng tấn công vào các mục tiêu quân sự hợp pháp mà Nga đang sử dụng để tấn công Ukraine thì Nga càng phải áp dụng nhiều biện pháp đối phó, từ đó làm giảm hiệu quả hành động quân sự của Nga” - theo ông Kagan.

Ukraine đã sử dụng vũ khí do chính nước này sản xuất để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào các mục tiêu bên trong nước Nga.

Ông Kagan trích dẫn vụ tấn công mà quân đội Ukraine tuyên bố đã phá hủy một kho vũ khí của Nga tại thị trấn Toropets (tỉnh Tver, cách thủ đô Moscow khoảng 385 km) bằng máy bay không người lái (UAV). Kiev nói rằng đã phá hủy 30.000 tấn đạn dược của Nga trong vụ tấn công.

Video hỏa hoạn sau vụ tấn công mà Ukraine cho là nhắm vào kho vũ khí Nga ở tỉnh Tver (Nga) ngày 18-9. Nguồn: THE GUARDIAN

“Chúng tôi đã thấy cường độ của một số hoạt động pháo binh trên không của Nga giảm xuống sau những cuộc tấn công này” - ông Kagan nói thêm.

Theo một quan chức quốc phòng cấp cao, những cuộc tấn công tầm xa hơn sẽ buộc Nga phải di chuyển các sở chỉ huy, kho tiếp tế và sân bay xa hơn khỏi biên giới với Ukraine.

Việc tiếp tế với quãng đường dài làm chậm quá trình bổ sung thiết bị quan trọng và thời gian tiếp tế lâu hơn khiến máy bay chiến đấu Nga có ít thời gian để tập trung vào nhiệm vụ tuần tra.

Ngoài những lợi thế chiến thuật đó, các cuộc tấn công có thể có những tác động chiến lược lớn hơn. Cụ thể, nếu cuộc chiến kéo dài hơn nữa, Nga sẽ phải tính toán lại chi phí chiến tranh, vị quan chức nói thêm.

… hay sẽ châm ngòi “một thùng thuốc súng”?

Nguy cơ leo thang chiến tranh nếu tên lửa phương Tây tấn công Nga là khó tránh khỏi.

Học thuyết quân sự của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường. Mặc dù được coi là không thể xảy ra nhưng nguy cơ kích nổ vũ khí hạt nhân không thể bị loại trừ.

Nga gần đây thường xuyên nói về việc điều chỉnh học thuyết hạt nhân. Tổng thống Putin ngày 25-9 đề xuất Moscow “cân nhắc” sử dụng phản ứng hạt nhân nếu có “thông tin đáng tin cậy” về một cuộc không kích lớn do một quốc gia thực hiện nhắm vào lãnh thổ Nga hoặc đồng minh Belarus.

Theo ông Putin, vũ khí được đối phương sử dụng trong cuộc tấn công như vậy có thể là tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay chiến lược, UAV,…

Ngoài nguy cơ leo thang xung đột, việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga cũng làm giảm lượng vũ khí trong kho dự trữ của Mỹ.

Hai quan chức Mỹ (giấu tên) nói với USA Today rằng số lượng tên lửa phương Tây được sử dụng ở Ukraine sẽ quyết định mức độ leo thang của cuộc xung đột.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm