Thái Lan bắt tay ông lớn SportFive có ngay nguồn thu khủng

Đối tác mà LĐBĐ Thái Lan (FAT) bắt tay là Tập đoàn tiếp thị thể thao toàn cầu SportFive. Hai bên ký kết hợp đồng có thời hạn năm năm, phía SportFive sẽ khai thác Thai-League 1, 2, 3; FA Cup; League Cup; giải futsal quốc gia; đội tuyển A, đội U-23, các đội tuyển nữ. Đổi lại, bóng đá Thái Lan sẽ có nguồn thu khổng lồ giúp tái tạo, đầu tư, phát triển các loại hình bóng đá, đào tạo trẻ, cơ sở vật chất...

Cố nhà báo Minh Hùng trong lần được mời tham quan và tìm hiểu Thai-League (ảnh nhỏ) và không khí Thai-League nhìn như Premier League. Ảnh: CTV

Phòng nghỉ của một CLB dự Thai-League theo chuẩn hóa của ban tổ chức. Ảnh: CTV

Từ nguồn thu khổng lồ ấy, FAT chia lại cho các CLB có những khoản lớn để đầu tư đội bóng. Ngoài ra, FAT tin rằng việc giao thương quyền cho đối tác có uy tín toàn cầu, các giải nội địa Thái Lan sẽ được lan rộng và tính thương mại lan tỏa cao hơn trong môi trường quốc tế

Về chất lượng chuyên môn, Thai-League có chất lượng tương đương các trận đấu V-League nhưng tính thương mại và công tác tổ chức cao hơn, chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Điều này có được là nằm trong quy chuẩn của Thai-League mà người đứng đầu đã đi học và áp dụng theo mô hình Premier League với những quy định bắt buộc như sân bãi phải đúng chuẩn từ chủng loại cỏ chỉ đến quy định vận hành đội ngũ CĐV trong mỗi CLB…

Có một lần đại diện báo Pháp Luật TP.HCMlà cố nhà báo Minh Hùng được ban tổ chức mời sang tham quan và dự khán về công tác tổ chức Thai-League. Trở về từ Thai-League, cố nhà báo Minh Hùng cho biết dù là cấp CLB ở giải nội địa là Thai-League 1 nhưng không khí và công tác tổ chức của họ không thua gì một CLB hạng nhất ở bóng đá Anh và đó cũng là lý do bản quyền Thai-League hồi đó cao hơn V-League cả chục lần.

Trở lại với ký kết giữa FAT và SportFive, ông Malcolm Thorpe, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của SportFive, nói: “Khi trở thành đối tác của FAT, chúng tôi thấy đây là thời khắc lịch sử đối với chúng tôi”. Ông Malcolm Thorpe không giấu giếm Thai-League và các giải lẫn các đội mà SportFive được trao thương quyền khai thác như một nguồn tài nguyên quý ở Đông Nam Á lâu nay bỏ phí.

Chủ tịch FAT - ông Somyot nhận xét: “Đó là tiến trình hoàn thiện dần tính chuyên nghiệp mà một nền bóng đá tất yếu phải đi đến. Một giải đấu chất lượng cần phải lan tỏa ra khu vực, châu lục và thậm chí là đến toàn cầu thì sẽ thu hút được nhiều thương hiệu lớn đến và đó là cách mà những nền bóng đá tiên tiến đã đi từ rất lâu rồi”.

Với người hâm mộ Việt Nam thì nhiều người vẫn còn nhớ SportFive (đối tác mới của FAT) chính là đơn vị có trụ sở tại Thụy Sĩ từng sở hữu bản quyền Euro 2012 và khi đấy đã trực tiếp chào mời gói bản quyền phát sóng các trận đấu Euro 2012 trên lãnh thổ Việt Nam.•

 

V-League có khả năng hơn Thai-League nếu…

V-League có giai đoạn đi trước Thai-League nhưng chính việc xuề xòa và cào bằng với kiểu du di để đảm bảo số đông khiến giải đấu hàng đầu Việt Nam mất giá trị. Chẳng hạn năm nào cũng có bộ phận đi kiểm tra mặt sân nhưng năm nào cũng có hình ảnh mặt sân loang lổ, nham nhở ảnh hưởng đến chuyên môn. Thậm chí có sân phía sau cầu môn còn để tư nhân trồng rau trông rất phản cảm.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức của VPF ban đầu rất bài bản nhưng càng ngày càng trở về giống như hồi V-League do VFF tổ chức. Ngay cả việc các đội là cổ đông là thành phần chính làm nên giải đấu nhưng không được tôn trọng. Rõ nhất là gần đây, khi hoãn giải đến tháng 2-2022 thì VPF họp bàn đã đưa ra phương án để trình VFF mà các đội không hề biết. Đến khi báo chí đưa tin ồn ào thì VPF mới chữa cháy bằng việc lấy ý kiến các đội nhưng cũng chẳng giải quyết được cho các đội…

Việc trao hết thương quyền cho một đối tác khai thác như Thái Lan chưa hẳn là cách làm hay nhưng trước mắt, điều đó đáp ứng được nhiều vấn đề về quyền lợi cho các CLB.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm