Thái Lan khai thác lợi ích từ Nhật và Trung Quốc

Tuyến thứ nhất được xây dựng với vốn vay và công nghệ của TQ sẽ nối Bangkok, Ma Ta Phut qua Lào đến Côn Minh, Vân Nam (TQ). Tuyến thứ hai sử dụng nguồn vốn và công nghệ Nhật, bắt đầu từ Dawei (Myanmar) qua Bangkok đến Phnom Penh (Campuchia) và có thể kết nối với TP.HCM và Vũng Tàu.

Hai tuyến này cùng nhiều tuyến đường quốc tế khác đang lên kế hoạch sẽ biến Bangkok thành đầu mối giao thông lớn giúp tăng cường kết nối giữa Thái Lan với TQ, Nhật và ASEAN. Tuyến Bangkok-Côn Minh sẽ​​khởi công vào năm tới và hoàn thành vào năm 2020, có chiều dài 734 km trên đất Thái với chi phí 12 tỉ USD. Ngược lại, tuyến Dawei-Phnom Penh vẫn đang được nghiên cứu nhưng phần giữa Thái Lan và Myanmar sẽ được xây dựng trước để hỗ trợ cho các dự án của đặc khu kinh tế Dawei ở Myanmar.

Hai tuyến được tài trợ vốn vay với lãi suất thấp, thiết kế theo khổ tiêu chuẩn đường sắt hiện nay (1,435 m) cho phép tàu chạy 160-180 km/giờ. Thái Lan phải mua tàu hỏa, hệ thống tín hiệu và thiết bị liên quan từ TQ và Nhật theo các gói thầu riêng. 
Sự kiện Nhật và TQ đầu tư vào hệ thống đường sắt mới ở Thái Lan cho thấy Thái Lan đã khéo léo giữ được cân bằng trong quan hệ với Bắc Kinh và Tokyo. Đối với các tỉnh ven biển TQ như Quảng Đông và Vân Nam, đường sắt chưa phải là lợi thế vì không hoàn toàn thay thế được đường biển giá rẻ. Do đó ý đồ của Bắc Kinh là xây dựng đường sắt nhằm xuất khẩu các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ra nước ngoài. Và tuyến đường sắt tới Bangkok sẽ là cách tiếp thị tốt nhất.

Trong khi đó, đối với tuyến thứ hai, tình hình thông thương giữa Campuchia, Myanmar và Thái Lan sẽ tạo nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế. Tất nhiên dự án sẽ ưu tiên phục vụ cho lợi ích của Nhật. Nhật sẽ tăng vốn đầu tư vào ba quốc gia này và nhiều nhất là vào Thái Lan.

Ngoài hai dự án kể trên, Thái Lan cũng đang kêu gọi nguồn vốn nước ngoài cho tuyến đường sắt cao tốc Đông-Tây khác nối liền Myanmar, Lào và Việt Nam cũng như một tuyến nữa ở phía Nam nối với Malaysia. Pháp, Đức và Hàn Quốc đã bày tỏ quan tâm. Dù vậy, các bên liên quan vẫn tỏ ý lo ngại cho khả năng trì hoãn, thậm chí là hủy bỏ các dự án do vấn đề chính trị hoặc tranh chấp lãnh thổ. 
Tuy nhiên, một khi thách thức được khắc phục và các dự án đường sắt quốc tế ở Đông Dương được hoàn thành như dự kiến, Thái Lan sẽ trở thành trung tâm giao thông quan trọng, hội đủ yếu tố thuận lợi cho hợp tác kinh tế và chính trị với các nước láng giềng, tăng cường vai trò kết nối trong ASEAN và đẩy mạnh hợp tác khu vực với TQ và Nhật.

NHẬT VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm