Thắng nhiệm kỳ 2, ông Macron sẽ lo cho nước Pháp và châu Âu thế nào?

(PLO)- Với 57,24% số phiếu ủng hộ so 66% của lần bầu cử năm 2017, ông Macron bước vào nhiệm kỳ mới với những thách thức không kém nhiệm kỳ đầu về đối nội lẫn đối ngoại, nếu không muốn nói là nhiều hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Người Pháp một lần nữa đặt niềm tin vào Tổng thống Emmanuel Macron, để lần đầu tiên trong 20 năm qua, có một tổng thống tái đắc cử, kể từ thời Tổng thống Jacques Chirac (1995-2002).

Tuy nhiên, với 57,24% số phiếu ủng hộ so 66% của lần bầu cử năm 2017, ông Macron bước vào nhiệm kỳ mới với những thách thức không kém nhiệm kỳ đầu về đối nội lẫn đối ngoại, nếu không muốn nói là nhiều hơn, theo tờ Guardian.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mừng chiến thắng đắc cử tối 24-4. Ảnh: DW

Thắng nhiệm kỳ 2, ông Macron sẽ lo cho nước Pháp và châu Âu thế nào? ảnh 1


Sau khi giành chiến thắng, trên sân khấu lớn ở Paris, trước đông đảo người ủng hộ, ông Macron đã thừa nhận rằng “cuộc bầu cử này đặt lên vai tôi trách nhiệm lớn hơn".

Đảm bảo đa số tại hạ viện và bổ nhiệm một chính phủ mới

Cuộc bầu cử Quốc hội ở Pháp sẽ diễn ra vào tháng 6 tới, đảng Cộng hoà tiến bước (LaREM) của ông Macron và các đồng minh cần đa số 289 ghế trong hạ viện gồm 577 ghế.

Cuộc thăm dò đầu tiên trước vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đã gây bất ngờ thật sự với các chính đảng Pháp, khi phe cánh hữu Cộng hoà và phe Xã hội chủ nghĩa mỗi bên nhận được ít hơn 5% sự ủng hộ, và nổi lên ba khối ngang nhau: cánh tả cực đoan, trung dung đa dạng của ông Macron, và phe cực hữu.

Ngay cả khi kết quả thăm dò như trên không lặp lại trước cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, ông Macron cũng rất cần thêm sự ủng hộ để đảm bảo khả năng điều động của tổng thống.

Ông Macron cho biết chính phủ của ông sẽ cởi mở với “bất kỳ ai ủng hộ chương trình nghị sự của ông”.

Giải quyết khủng hoảng chi phí sinh hoạt

Dữ liệu cho thấy có 5% người nghèo nhất đang sống vất vả hơn so với 5 năm trước. Một số lượng lớn cử tri cho biết họ gặp khó khăn trong việc kiếm sống và chi phí sinh hoạt trở thành vấn đề quan trọng của chiến dịch.

Đây là thử thách mà ông Macron muốn xoá bỏ trong thời gian tới và phải khẩn trương thực hiện các biện pháp cải cách chính sách, nếu muốn ngăn phe cực hữu tiến xa hơn nữa.

Trước mắt ông Macron cho biết ông sẽ duy trì giới hạn giá khí đốt và điện cũng như chính phủ giảm giá nhiên liệu tại các trạm bơm nếu chi phí năng lượng tiếp tục tăng. Ông cũng đã vạch ra các biện pháp bao gồm hỗ trợ nhiều hơn cho những người được trả lương thấp và những người làm việc tự do.

Lương hưu, giáo dục, y tế, tội phạm

Tổng thống Macron hứa rằng sẽ cải cách lương hưu tập trung hơn so với nhiệm kỳ đầu – đó là tăng tuổi nghỉ hưu dần lên 65 vào năm 2031, ngoại trừ những người làm công việc nặng nhọc. Ông dự định sẽ tiến hành tham vấn các công đoàn và người sử dụng lao động trước mùa hè này.

Ông cũng sẽ đề xuất một số giải pháp làm cho phúc lợi xã hội được tiếp cận dễ dàng hơn, thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn thông qua chương trình “Chọn nước Pháp”.

Để thu hút sự ủng hộ của các cử tri của đảng Xanh, ông Macron cũng đã cam kết tiếp tục trợ cấp cho các chương trình ứng dụng năng lượng mặt trời, cải tạo 700.000 ngôi nhà, bảo vệ đa dạng sinh học. Ông cũng đã hứa sẽ kéo dài tuổi thọ của hầu hết các nhà máy điện hạt nhân và xây dựng 6 nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới.

Thắng nhiệm kỳ 2, ông Macron sẽ lo cho nước Pháp và châu Âu thế nào? ảnh 2
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tối 24-4 sau khi kết quả bầu cử được công bố. Ảnh: NBC NEWS

Trong các vấn đề an sinh xã hội khác, ông dự kiến sẽ sớm khởi động các cuộc tham vấn về cải cách hệ thống giáo dục tập trung của Pháp, phân quyền tự chủ hơn nữa cho các trường học và trường đại học cũng như chế độ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt cải thiện việc các dịch vụ ở nông thôn.

Ông cũng cam kết sẽ tuyển dụng thêm cảnh sát, thẩm phán và nhân viên hỗ trợ tư pháp.

Kết nối lại với cử tri

Tuy nhiên, thách thức cơ bản đối với tổng thống Macron là tỷ lệ đáng báo động cử tri đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022. Thực tế là tỷ lệ người không ưa thích ông vẫn ở mức cao.

Nếu muốn đảng của mình tránh được một cuộc chạy đua đau thương hơn vào năm 2027, Tổng thống Macron đã thừa nhận sẽ phải ưu tiên xây dựng lại mối quan hệ với những người chưa tin tưởng ông, hoặc đã cho ông mượn lá phiếu để chặn lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen.

Ông đã hứa sẽ lắng nghe và hành động. Ông ấy sẽ phải làm như thế.

Các vấn đề quốc tế

Việc ông Macron tái đắc cử cũng là tín hiệu tốt lành cho Brussels và các thể chế châu Âu. Ông Macron, nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), kể từ năm 2017 đã thể hiện mạnh mẽ mong muốn định hình châu Âu trong các vấn đề thế giới; điều đó sẽ không thay đổi.

Với Brexit (Anh rời EU) và sự ra đi của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Pháp đang đóng vai trò rất lớn trong các vấn đề châu Âu và được chờ đợi sẽ thổi luồng sinh khí mới vào EU, nhất là trong việc đảm bảo khả năng tự phòng thủ của châu Âu. Ông Macron mạnh mẽ ủng hộ "quyền tự chủ chiến lược" của châu Âu trên lĩnh vực quân sự, năng lượng, kinh tế và chính trị.

Nhiệm kỳ chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) kéo dài 6 tháng của Pháp sẽ tiếp tục với các ưu tiên đảm bảo biên giới của khối và kiểm soát tình trạng di cư, tăng cường hợp tác quốc phòng và phát triển "mô hình tăng trưởng" kinh tế châu Âu dựa trên đầu tư công nghệ cao. Ông còn hơn hai tháng để triển khai hoạt động.

Châu Âu đang chứng kiến nhiều biến động nghiêm trọng cần tới vai trò của ông Macron. Đó là cuộc chiến đang tiếp diễn của Nga ở Ukraine và hội nghị thượng đỉnh quan trọng của Tổ chức an ninh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được lên kế hoạch vào tháng 6.

5 năm tới sẽ là nhiệm kỳ khó khăn của tổng thống Macron. Để thành công, ông Macron cần đến sự đoàn kết của các đảng cấp tiến ở Pháp, đẩy nhanh các biện pháp về an sinh, môi trường và hướng EU tới một tương lai mạnh mẽ hơn, độc lập hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm