Ngày 28-9, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2022 của Thanh Hóa ước đạt 39.325 tỷ đồng, bằng 133% dự toán năm, tăng 56% so với cùng kỳ và đạt cao nhất từ trước đến nay.
Theo đó tổng thu nội địa ước đạt 24.373 tỷ đồng, trong khi ước đạt thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng, đạt 156% dự toán và bằng 161% so với cùng kỳ. Có 10/13 lĩnh vực có tiến độ thu tốt, dự kiến đạt và vượt dự toán năm.
Đáng chú ý, có một số khoảng thu có tỷ trọng lớn là thu tiền sử dụng đất đạt 10.603 tỷ đồng, trong khi ước cả năm là 11.700 tỷ đồng, bằng 167% dự toán. Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5.199,5 tỷ đồng, bằng 157 % dự toán.
Đặc biệt, nguồn thu thuế từ Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đến ngày 14-9 theo Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa thông tin là 11.732 tỷ đồng. Như vậy, riêng nguồn thu từ đất và dầu thô đạt 22.335 tỷ đồng, chiếm 56,7% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh Thanh Hóa trong 9 tháng.
Thanh Hóa có bước chuyển mình ấn tượng chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây. Ảnh: ĐT |
Tại phiên họp thường kỳ tháng 9-2022 ông Nguyễn Trọng Trang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa thông tin tỉnh Thanh Hóa đang hướng tới mức thu ngân sách cao nhất từ trước tới nay và sẽ sớm gia nhập nhóm các tỉnh, thành phố thu ngân sách 50.000 tỷ đồng trong năm tài khóa 2022.
Trong 5 năm qua thu ngân sách nhà nước tỉnh Thanh Hóa đã có bước tăng trưởng ấn tượng, cụ thể năm 2017 Thanh Hóa thu ngân sách hơn 13.114 tỷ đồng và năm 2018 là 23.276 tỷ đồng.
Năm 2019, Thanh Hóa thu 27.359 tỷ đồng, năm 2020 thu ngân sách đạt 29.000 tỷ đồng và 2021 dùThanh Hóa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng thu ngân sách đạt con số 36.500 tỷ đồng.
Năm 2022, kinh tế Thanh Hóa tiếp tục có bước đột phá mạnh mẽ với tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm ước đạt 39.325 tỷ đồng, bằng 133% dự toán năm và tăng 56% so với cùng kỳ và đạt cao nhất từ trước đến nay.
Tại phiên họp thường kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ông Đỗ Minh Tuấn thông tin, kinh tế Thanh Hóa có bước phục hồi, phát triển mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên theo ông Tuấn các ngành, địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, tránh để xảy ra sai sót, sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh và trong thực hiện các dự án đầu tư, kể cả dự án cũ và mới. Triển khai thực hiệu quả các dự án lớn, các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Khu kinh tế Nghi Sơn là tổ hợp công nghiệp nặng và công nghiệp hóa dầu là nền tảng quan trọng góp phần đưa Thanh Hóa phát triển nhanh bền vững. Ảnh: ĐT |
Cũng theo ông Tuấn, Thanh Hóa đã tập trung tối đa làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn, tuy nhiên Thanh Hóa cũng sẽ quyết liệt việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định đầu tư.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ông Đỗ Minh Tuấn khẳng định, Thanh Hóa đang nỗ lực không ngừng thực hiện có hiệu quả các đề án, cơ chế, chính sách, chương trình trọng tâm, khâu đột phá.
Qua đó từng bước cụ thể hóa, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thanh Hóa có khả năng ra nhập nhóm thu ngân sách 50.000 ngàn tỷ đồng
Tính đến hết năm 2021, cả nước hiện có 6 địa phương đã gia nhập nhóm các tỉnh có mức thu ngân sách 50.000 tỷ đồng.
Dẫn đầu nhóm là TP.HCM thu ngân sách hơn 381.000 tỷ đồng, trong khi Hà Nội xếp thứ 2 có tổng thu ngân sách nhà nước là 265.755 tỷ đồng.
Đứng thứ 3 là Hải Phòng có số thu ngân sách 95,5 nghìn tỷ đồng. Xếp tiếp theo sau là Bà Rịa-Vũng Tàu 75.000 tỷ đồng, Đồng Nai 63.000 tỷ đồng và Bình Dương là 62.000 tỷ đồng.
Năm 2022, Quảng Ninh và Thanh Hóa là 2 địa phương có khả năng sớm gia nhập CLB 50.000 tỷ đồng khi lần lượt xếp ở vị trí thứ 7 và thứ 8.