Thanh Hóa lên kịch bản điều trị 10.000 ca COVID-19

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa vừa hội nghị bàn phương án phòng, chống trong tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp và xây dựng phương án điều trị 10.000 ca bệnh, xây dựng kế hoạch, hoạt động của các tiểu ban để tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện.

Bí thư Tỉnh ủy ông Đỗ Trọng Hưng sẽ đảm nhiệm Trưởng Ban chỉ đạo, các phó bí thư, chủ tịch và phó chủ tịch đảm nhiệm vị trí Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh này.

Tại hội nghị, Bí thư Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các địa phương phải thần tốc hạn chế số người nhiễm, phấn đấu không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Ông Hưng dẫn lại, 2 năm qua Thanh Hóa đã kiểm soát, kiềm chế dịch hiệu quả, là tỉnh có nguy cơ thấp từ đó đã thực hiện được mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 dù đã có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng chúng ta vẫn đang kiểm soát được tình hình, hạn chế lây lan, bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa ông Đỗ Trọng Hưng khẳng định: 'Thanh Hóa tự lực, tự cường, dựa vào chính mình, dựa vào Nhân dân để chống dịch COVID-19'. Ảnh:  M.H

Sau khi thành lập, các tiểu ban, tổ giúp việc cần bổ sung các phương án, kế hoạch, các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình trên địa bàn. Theo đó, tiểu ban an sinh xã hội sẽ đảm bảo việc làm, đảm bảo lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu.

Tiểu ban an ninh trật tự phải quản lý công dân, truy vết và cách ly. Tiểu ban thông tin, tuyên truyền và tiểu ban xét nghiệm, điều trị người bệnh, tiêm vắc-xin.

Đáng chú ý tại hội nghị này, nhiều lãnh đạo tỉnh đặt nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng nhất và phải tính đến các phương án khi có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, để chủ động ứng phó và kiểm soát tốt tình hình.

Thanh Hóa xây dựng tháp điều trị 3 tầng theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh nhân, đồng thời xây dựng kế hoạch điều trị 4 cấp theo số lượng bệnh nhân, từ dưới 1.000 ca, 3.000 ca, 5.000 ca đến 10.000 ca bệnh dương tính với COVID-19.

Các đơn vị liên quan vào cuộc ngay rà soát, thống kê, đánh giá chính xác về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên y tế, trang thiết bị kỹ thuật, vật tư hóa chất phục vụ công tác xét nghiệm và điều trị. Sẵn sàng trong mọi tình huống, điều phối mẫu xét nghiệm để nhịp nhàng, hiệu quả, kịp, hiệu quả, tránh chồng chéo, đảm bảo công khai, minh bạch.

Thanh Hóa cũng xây dựng phương án đảm bảo an sinh xã hội theo từng diễn biến, cấp độ của tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo phương châm “4 tại chỗ” là chủ yếu.

Thanh Hóa tiếp tục truy vết thần tốc, mở rộng, tầm soát xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng. Ảnh: T.H

Ông Hưng khẳng định, tất cả các kịch bản, kế hoạch, biện pháp, nhiệm vụ phòng chống COVID-19 đã được tỉnh xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện từ khi dịch, bệnh mới xuất hiện, nhưng trong tình hình mới, diễn biến mới, cần được điều chỉnh, bổ sung và nâng cao hơn.

Ngoài các văn bản, động điện đã nêu, đã yêu cầu thì khi phát hiện ca F0 trong cộng đồng thì phải truy vết thần tốc, do lực lượng công an làm nòng cốt. Việc tổ chức cách ly phải phù hợp với mức độ nguy cơ của từng đối tượng, giám sát chặt chẽ để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo khi có mầm bệnh.

Tại mỗi huyện của Thanh Hóa cũng xây dựng kịch bản, phương án cách ly trong trường hợp số người phải cách ly tăng cao. Việc tầm soát, sàng lọc phải được mở rộng, nhanh chóng, xác định rõ đối tượng và khu vực ưu tiên làm trước; xây dựng quy trình vận chuyển và điều phối mẫu xét nghiệm hợp lý, trả kết quả nhanh.

Ông Hưng yêu cầu đối với ngành y tế phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, vật tư hóa chất cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Ngoài các bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19, phải bố trí cả các bệnh viện vừa điều trị bệnh nhân thông thường và bệnh nhân COVID-19.

Ngoài ra, về đội ngũ y tế phải tính đến phương án huy động sinh viên các trường Y trên địa bàn và các cán bộ, nhân viên Y tế đã nghỉ hưu, đủ điều kiện sức khỏe và sẵn sàng tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.

Với mỗi cán bộ, người dân Thanh Hóa phải coi nhiệm vụ phòng, chống dịch trước hết là nhiệm vụ của mình, không ai được đứng ngoài cuộc. Tự lực, tự cường, dựa vào chính mình, dựa vào Nhân dân để chống dịch COVID-19 và huy động có hiệu quả nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.

Trước đó PLO.VN đưa tin, tính đến chiều qua, tính từ ngày 27-4 đến nay sáng 31-8, số ca nghi mắc cộng dồn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 483, trong đó số ca bệnh dương tính cộng dồn là 299. Số bệnh nhân đang cách ly và điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa 197, số bệnh nhân điều trị khỏi bệnh ra viện đến nay 109.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.