Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã gây ra lũ lớn khiến nhiều huyện phía Tây Thanh Hóa như Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Vĩnh Lộc bị thiệt hại nặng nề. Lũ đã tạm rút đi nhưng hậu quả để lại cho người dân nơi đây là rất lớn.
Đến chiều 2-9, trên toàn địa bàn tỉnh Thanh Hóa có đến 13 người chết và mất tích, trong đó có sáu người thiệt mạng do lũ dữ (huyện Mường Lát bốn người, huyện Cẩm Thủy hai người). Mưa lũ cũng khiến 208 căn nhà bị sập hoàn toàn, hơn 150 căn bị hư hỏng; gần 12.000 căn bị ngập trong nước; 20 điểm trường bị ngập, ảnh hưởng. Ngoài ra, hơn 2.500 ha lúa, rau màu và các cây trồng hằng năm như mía, sắn bị hư hại; khoảng 11.300 con gia cầm chết.
Chính quyền địa phương xã Thạch Long, huyện Thạch Thành hỗ trợ thực phẩm, nước uống cho người dân chống chọi với lũ. Ảnh: Đ.TRUNG
Lụt tận nóc nhà ở xã Thạch Long, huyện Thạch Thành khiến nhiều người dân trước đó phải di dời khẩn cấp. Ảnh: Đ.TRUNG
Sau lũ, bùn đất ngập ngụa khắp nơi khiến quốc lộ 21 nối với các huyện vùng cao đoạn qua huyện Cẩm Thủy đi lại khó khăn. Ảnh: Đ.TRUNG
Về hạ tầng giao thông, toàn tỉnh có năm cây cầu bị đổ, sập, cuốn trôi, nhiều tuyến đường bị ngập, sạt lở. Đến chiều cùng ngày, trên các tuyến quốc lộ 45, quốc lộ 127, quốc lộ 25,… nhiều vị trí còn bị ngập, sạt lở gây ách tắc. Các tuyến đường qua các huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Yên Định, Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa, Mường Lát vẫn còn bị chia cắt.
Người dân sinh sống ở huyện Cẩm Thủy, nơi bị ảnh hưởng nặng nề của đợt lũ vừa qua, cho hay mấy chục năm qua, họ chưa từng chứng kiến cơn lũ nào khủng khiếp như vậy. Dù nước đã rút hết ở các nhà dân nhưng bùn đất ngập ngụa bên trong. Nhiều tài sản hư hỏng, bị cuốn trôi khiến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân bị đảo lộn.
Tại Mường Lát, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Cao Văn Cường, Chủ tịch huyện này, cho biết những ngày qua mưa lũ khiến địa phương bị lũ chia cắt, cô lập với miền xuôi. Tại vị trí Cổng Trời, xã Trung Lý - nơi bị chia cắt, địa phương vẫn đang nỗ lực tập trung xử lý các điểm đường bị sạt lở để nhanh chóng thông tuyến trở lại.
Tại các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước..., lực lượng chức năng cũng đang khẩn trương cùng người dân dọn bùn đất tràn vào nhà, tiêu độc, khử trùng, xử lý nước sạch, giải phóng các diện tích cây trồng bị hư hỏng để sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân.
Báo cáo từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thanh Hóa cho hay lũ thượng nguồn sông Mã đã xuống, hạ lưu sông Mã và các sông khác cũng đang xuống chậm nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai cũng khuyến cáo người dân, chính quyền địa phương tiếp tục bám sát tình hình mưa lũ để đảm bảo an toàn, tài sản của người dân. Trong những ngày qua, chính quyền địa phương cũng đã tập trung cứu trợ lương thực, thực phẩm, nước uống đến những xã bị cô lập và sát cánh cùng người dân trong cơn hoạn nạn. |