Sáng nay (1-9), Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết mưa lũ kéo dài nhiều ngày, từ ngày 28 đến 31-8, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với lượng mưa 70-200 mm khiến mực nước trên các sông chính như sông Mã, sông Bưởi ở nhiều địa phương liên tục trên mức báo động 3 và vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2007.
Nhiều nhà dân bị cô lập hai bên dòng sông Mã khi lũ đổ về. Ảnh: Đ.TRUNG
Các địa phương bị cô lập trong lũ dữ dọc hai bên sông Mã là Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa, Mường Lát. Lũ lên nhanh, nhiều hộ dân buộc phải bỏ lại tài sản để thoát thân, trong đó có năm người chết, mất tích là Mường Lát hai người, Cẩm Thủy hai người, Quan Hóa một người (hiện chưa rõ danh tính).
Mưa lũ đã làm hàng trăm ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 5.000 nhà bị ngập sâu trong nước, gần 10.000 hộ dân đã phải sơ tán đến nơi an toàn. Gần 100 công sở, trường học đã bị nhấn chìm trong nước, trong khi năm học mới đã cận kề.
Mưa lũ cũng đã làm ngập nhiều tuyến đường trọng điểm như quốc lộ 15, quốc lộ 15C, quốc lộ 217, đường tỉnh 521B với mức ngập trung bình 2-4 m. Nhiều nơi ngập sâu cục bộ và sạt lở đất đã khiến hệ thống giao thông tê liệt trong nhiều giờ, cô lập nhiều điểm dân cư và toàn bộ huyện Mường Lát.
Trạm điện bên dòng sông Mã và lũ lụt lên nóc mái nhà. Ảnh: Đ.TRUNG
Gần 50 cây cột điện cao, hạ thế, cột thu phát sóng bị gãy đổ, bốn trạm biến áp ngập sâu trong nước, nhiều tuyến cáp quang viễn thông bị dò đứt, hư hỏng, thông tin liên lạc gián đoạn với nhiều địa phương.
Nhiều nhà dân không kịp chuyển tài sản đến nơi an toàn khi mà lũ lên quá nhanh, bất ngờ. Ảnh: Đ.TRUNG
Ông Lê Văn Hợp (Giám đốc Điện Lực huyện Cẩm Thủy) cho biết tại địa phương này cũng có 24 trạm cắt điện bị ngập sâu trong nước, khiến cho nhiều nơi mất điện. Hiện các lực lượng đã được huy động xử lý sự cố, sớm có điện lại cho người dân.
Cảnh hoang tàn không bóng người khi lũ đi qua. Ảnh: Đ.TRUNG
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt tỉnh Thanh Hóa, hiện các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Quan Sơn, Yên Định, Vĩnh Lộc bị chia cắt, cô lập. Khó khăn lớn nhất trong công tác chỉ đạo và ứng phó với lũ lụt hiện nay là nhiều địa phương bị mất thông tin liên lạc …