Nguồn tin của Pháp Luật TP.HCMcho hay Thanh tra Chính phủ vừa ban hành quyết định thành lập đoàn thanh tra về việc xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung của cuộc thanh tra này tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo trong thời gian qua. Thời kỳ thanh tra là từ ngày 1-1 đến ngày 31-5 và khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước và sau thời kỳ thanh tra.
Thời gian tiến hành thanh tra là 35 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Nguồn tin có thẩm quyền tại Thanh tra Chính phủ cho hay: Có thể trong tuần tới, quyết định thanh tra sẽ được công bố để kịp thời báo cáo Thủ tướng trong tháng 6-2020 theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo kế hoạch, sau khi công bố quyết định thanh tra thì đoàn sẽ làm việc ngay với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan như Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính).
Như đã biết, xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch COVID-19 và hạn hán, xâm nhập mặn đã “bùng” lên từ ngày 24-3. Khi đó, Tổng cục Hải quan gửi công văn hỏa tốc cho Cục Hải quan các tỉnh, TP đề nghị không tiếp nhận các tờ khai đăng ký xuất khẩu gạo mới từ 0 giờ ngày 24-4 theo kết luận của Thủ tướng ngày 23-3. Các tờ khai xuất khẩu gạo trước 0 giờ ngày 24-3 vẫn được tiến hành.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh lại gửi văn bản hỏa tốc đề nghị Thủ tướng tạm dừng việc dừng xuất khẩu gạo. Thủ tướng sau đó giao Bộ Công Thương chủ trì đoàn công tác liên ngành đánh giá lại sản lượng dự kiến vụ đông xuân 2020 cũng như trữ lượng gạo của các doanh nghiệp.
Đáng nói là sau đó đoàn liên ngành đã làm việc và kết luận các số liệu về sản lượng thóc dự kiến và số lượng gạo xuất khẩu cơ bản là… đúng.
Sau cuộc làm việc ngày 26-3, Bộ Công Thương đã gửi công văn báo cáo Thủ tướng ngày 6-4 và đề nghị trong tháng 4 và tháng 5-2020 cho phép xuất khẩu 800.000 tấn gạo, trong đó tháng 4 được phép xuất khẩu 400.000 tấn.
Ngày 10-4, Thủ tướng đồng ý với phương án mà Bộ Công Thương đề xuất. Cùng ngày, bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định 1106 về “hạn ngạch” 400.000 tấn gạo xuất khẩu, yêu cầu Tổng cục Hải quan cho thông quan với các tiêu chí cụ thể.
Theo Tổng cục Hải quan, vì ngày 11-4 đơn vị này mới nhận được “bản mềm” Quyết định 1106 nói trên và đã thiết lập các tiêu chí trên hệ thống thông quan tự động. 24 giờ ngày 11-4, hệ thống hải quan tiếp nhận tờ khai và chỉ vài tiếng sau hạn ngạch 400.000 tấn đã được đăng ký hết. Trong đó có Công ty Intimex đã gửi thành công 102 tờ khai và chiếm trên 96.000 tấn gạo xuất khẩu, tương đương gần ¼ hạn ngạch.
Sau đó, các doanh nghiệp khác kêu cứu, thậm chí lên cả Thủ tướng về vấn đề xuất khẩu gạo không công khai, minh bạch. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng “công văn” qua lại với nhau về nhiều vấn đề. Thậm chí Bộ Tài chính còn nhờ Bộ Công an vào cuộc điều tra.
Trước những bức xúc của doanh nghiệp, công luận và nhiều quan điểm khác nhau của các cơ quan liên quan, ngày 20-4 Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ vào cuộc.
Việc xuất khẩu gạo này còn được cả Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để tâm và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong văn bản đề ngày 20-4, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội còn kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng.
Đáng chú ý là các kiến nghị như: “Xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động.
Khẩn trương có biện pháp cho thông quan ngay đối với các lô hàng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp đã được kê khai và đang nằm tại cảng trước ngày 24-3, khắc phục thiệt hại cho doanh nghiệp
Làm rõ việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động để doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký tờ khai vào lúc 0 giờ ngày Chủ nhật 12-4 xem có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không, đã tuân theo đúng quy định tại Điều 18 Luật Quản lý ngoại thương hay chưa.