Thời hạn thanh tra 45 ngày
Đoàn thanh tra của Bộ Y tế do ThS Dương Xuân An, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, làm trưởng đoàn thanh tra. Thời hạn thanh tra là 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Thời kỳ thanh tra từ 1-1-2013 đến 30-9-2014 và thời gian trước, sau có liên quan.
Nhiệm vụ của đoàn thanh tra là thanh tra về công tác quản lý nhà nước và chấp hành pháp luật về chính sách pháp luật bảo hiểm y tế và xã hội hóa y tế; quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc và quản lý mỹ phẩm của Sở Y tế TP.HCM.
Đoàn thanh tra Bộ Y tế sẽ thanh tra giá thuốc và đấu thầu tại Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: TÙNG SƠN
Theo quyết định thanh tra, sau khi có kết quả, đoàn sẽ có kết luận về nội dung đã tiến hành thanh tra và đánh giá. Nếu phát hiện vi phạm, đoàn sẽ xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ngoài ra đoàn sẽ xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm nếu có theo quy định của pháp luật, đồng thời đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền các biện pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Ông Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết đây là cuộc thanh tra theo kế hoạch, đã được bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt từ tháng 11-2013. Mục đích chính là giúp Sở Y tế TP rà soát lại công tác quản lý nhà nước, công tác tác nghiệp của đơn vị mình để từ đó có giải pháp hoàn thiện, nâng cao chất lượng giải quyết công việc; qua đó cũng phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách pháp luật để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền các giải pháp khắc phục nhằm khắc phục các sơ hở đó.
Hủy bảy loại thuốc trúng thầu
Sau khi tổng giám đốc VN Pharma Phạm Minh Hùng bị bắt (19-9) do nghi liên quan đến việc làm giả hồ sơ, giấy tờ để nhập khẩu thuốc trị ung thư H-Capital caplet 500 mg, Sở Y tế TP.HCM đã rà soát lại tất cả hồ sơ trúng thầu thuốc đợt 1 năm 2014. Theo đó, trong kết quả trúng thầu của gói thầu thuốc theo tên generic (thuốc hết hạn bảo hộ) đợt 1 năm 2014, có tổng cộng 38 thuốc trúng thầu, trong đó có bốn thuốc trúng thầu được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp cho các đơn vị nhập chuyến để sử dụng trong các cơ sở khám, chữa bệnh cụ thể, không bao gồm các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP.HCM.
Cụ thể, thuốc Bicnu (hoạt chất Carmustine 100 mg, tổng giá trị trúng thầu 270 triệu đồng); Erwinase (hoạt chất L-Asparaginase Erwinase 10.000 UI, tổng giá trị trúng thầu hơn 268 triệu đồng; Sodium Bicarbonate (hoạt chất Natri Hydrocarbonate 4,2%, tổng giá trị trúng thầu hơn 1,7 tỉ đồng) và Digoxin (hoạt chất Digoxin 0,5 mg/2 ml, tổng giá trị trúng thầu gần 550 triệu đồng). Cả bốn thuốc trên theo quy định không được tham gia dự thầu gói thầu thuốc của TP.HCM.
Tiếp sau đó, Sở Y tế hủy tiếp ba loại thuốc nữa là: Bipando 40 mg và 10 mg, Sustonit 6,5 mg và Peptan 40 mg cũng vì nhập chuyến đấu thầu và hồ sơ đấu thầu không hợp lệ. Như vậy tính đến nay Sở Y tế TP.HCM đã hủy tổng cộng bảy loại thuốc trúng thầu.
Trước dư luận cho rằng việc đấu thầu thuốc còn khe hở cho thuốc nhập chuyến, kém chất lượng vào bệnh viện, TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng việc đấu thầu là công khai, minh bạch. tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc để các thuốc nhập khẩu chuyến trúng thầu là lỗi hành chính. Nếu phát hiện có sai phạm, Sở Y tế sẽ xử lý theo quy định. Những loại thuốc bị hủy thầu này, Sở Y tế đã có phương án thay thế...
Sử dụng thuốc không có nguồn gốc Cùng ngày, Sở Y tế TP đã tổng kết công tác kiểm tra hành nghề y-dược-mỹ phẩm đợt 1 năm 2014 trên địa bàn. Theo nhận xét của Thanh tra Sở Y tế TP, hiện các cơ sở phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, chăm sóc da còn thực hiện quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung; áp dụng các kỹ thuật laser trong điều trị nhưng chưa được cấp phép. Nhiều đơn vị kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, một số cơ sở khám, chữa bệnh có sử dụng thuốc không có nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu; áp dụng các phương pháp, kỹ thuật, điều trị chưa được phê duyệt của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế TP. Sở Y tế TP kiến nghị xử phạt triệt để những sai phạm như đã nêu trên. |