Thay đổi để phục vụ bạn đọc tốt hơn

(PLO)- Giữa kỷ nguyên bùng nổ thông tin do sự xuất hiện của công nghệ, báo chí (truyền thống) cũng buộc phải chuyển mình để có thể tồn tại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời “hoàng kim” - những thập niên cuối thế kỷ 20, người dân nào cũng mong mỏi tờ báo in “ra lò nóng hổi’ vào sáng sớm tinh mơ. Thậm chí nhiều người đã phôtô bản báo in để chuyền tay nhau đọc, hoặc buộc phải chờ đôi ba ngày để tờ báo đến tay…

Internet xuất hiện, mạng xã hội (MXH) ra đời, và giờ là sự vào cuộc của hàng loạt công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), máy học (Machine learning)… đã thúc đẩy “cách kể chuyện” trên báo chí trở nên sinh động hơn. Báo chí bây giờ là kỷ nguyên của đa phương tiện với cách kể chuyện đầy hấp dẫn bằng ngôn từ phối hợp với hình ảnh, biểu đồ, video, âm thanh và cả tương tác linh động, lôi cuốn người đọc - nghe - xem.

Ngoài nền tảng báo in, các cơ quan báo chí hiện đã mở rộng ra các nền tảng kỹ thuật số: Mỗi tờ báo ít nhất cũng có một ứng dụng (app) đọc báo phù hợp với trải nghiệm trên điện thoại thông minh và sở hữu vài ba nền tảng (như Facebook, YouTube, TikTok, Twitter…) nhằm đảm bảo độ bao phủ rộng rãi, gần gũi với hàng chục triệu người dùng MXH. Có hàng chục “cách kể chuyện” khác nhau đã và đang được các tờ báo, các doanh nghiệp truyền thông áp dụng để chuyển tải thông tin, thông điệp đến khán giả.

Báo chí giờ đây cũng chú trọng vào việc “cá nhân hóa” thị hiếu của người đọc - nghe - xem, những người từng “ngóng chờ” tin tức từ tờ báo in ở những thập niên trước, nay đã trở thành “thượng đế”, với lượng thông tin khổng lồ được bày biện đẹp mắt để chọn lựa. Anh nào thích xem chính trị, thời sự; chị nào thích xem làm đẹp, nấu ăn; bác nào thích các chương trình nâng cao sức khỏe; hay người trẻ thích thể thao, du lịch… tất cả - dưới bệ phóng của tư duy chuyển đổi số và công nghệ - đều được đáp ứng.

Vậy là giữa kỷ nguyên bùng nổ thông tin do sự xuất hiện của công nghệ, báo chí (truyền thống) cũng buộc phải chuyển mình để… sống sót. Thật dễ để “đổ lỗi” cho MXH, cho các KOLs (những người có ảnh hưởng trên MXH) hay vì những lý do muôn thuở nào đó như thiếu tiền, thiếu nguồn nhân lực. Thế nhưng, điều mà báo chí cần nhất trong bối cảnh hiện tại không phải là tìm người biết làm, đổ tiền vào công nghệ, hay đòi hỏi MXH phải chậm lại (để mình theo kịp). Điều cốt yếu là thay đổi tư duy - từ một nền tảng tư duy báo in sang tư duy chuyển đổi số.

Tư duy trước tiên là về mặt nội dung. Trong dòng chảy thông tin ồ ạt và cấp tập trên các nền tảng số, trong bối cảnh ai ai có tài khoản MXH cũng muốn “làm báo”, và lắm người muốn đua tranh “tôi biết tin trước, tôi thạo tin” thì vai trò kiểm chứng của báo chí chính thống quan trọng hơn bao giờ hết. Tin nhanh là điều kiện cần nhưng muốn đủ thì tin tức phải khách quan, chính xác, đa chiều và báo chí cần làm điều ấy.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy những sản phẩm báo chí “đặc sản” cũng sẽ góp phần giúp khán giả định vị tờ báo khác biệt với MXH. Nói nôm na, tờ báo này chuyên phân tích pháp lý, hỗ trợ giải quyết oan sai; tờ báo kia có những bài điều tra rất hấp dẫn; tờ báo nọ chuyên hỗ trợ bạn đọc gỡ vướng các vấn đề khó khăn trong làm ăn, vay vốn… Không có “đặc sản”, báo chí sẽ bị hòa tan vào dòng chảy thông tin đầy xô bồ của MXH.

Tư duy tiếp theo là về vấn đề đa dạng hóa sản phẩm. Với sự can thiệp của công nghệ và áp lực cạnh tranh theo cơ chế thị trường, mỗi nền tảng số sẽ có những đặc thù riêng để phục vụ cho những nhóm bạn đọc - nghe - xem khác nhau. Ví dụ, sản phẩm báo chí trên nền tảng web hay ứng dụng đọc báo sẽ khác với sản phẩm trên TikTok, YouTube hay Facebook; có sản phẩm chỉ dưới 60 giây nhưng cũng có những sản phẩm cần tối thiểu 8 phút để được tối ưu hóa; nền tảng mạnh về văn bản (text), hình ảnh và cũng nhiều nền tảng chỉ phục vụ cho người thích xem video, livestream… Thế nên, với cùng một nội dung thông tin, cùng một câu chuyện cần được kể thì người làm báo phải tư duy để có được nhiều sản phẩm phục vụ cho nhiều nhóm bạn đọc - nghe - xem. Nói báo chí đa phương tiện, đa nền tảng là vì vậy.

Báo chí trên hành trình tìm lại thời “hoàng kim” trong lòng bạn đọc - nghe - xem như những năm trước đây không hề dễ dàng. Nhưng nếu không làm thì báo chí sẽ không thể tồn tại!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm