Thấy gì từ chiến lược xây ‘miễn dịch cộng đồng' của Thụy Điển?

Trong khi nhiều nước châu Âu phong tỏa, giãn cách khắt khe thì chính phủ Thụy Điển có chiến lược chống dịch COVID-19 hoàn toàn khác, chỉ áp dụng một số hạn chế rất ít với cuộc sống hàng ngày của người dân.

Chủ trương không phong tỏa, không giãn cách

Có thể nói đại dịch COVID-19 không gây xáo trộn lớn trong sinh hoạt của người dân Thụy Điển. Khác với các nước Bắc Âu khác, Thụy Điển chọn không áp dụng phong tỏa, duy trì mở cửa phần lớn trường học, nhà hàng, tiệm làm đẹp, quán bar…., dù thế Thụy Điển có yêu cầu dân kiềm chế có các chuyến đi xa. Nói chung cách kiềm chế dịch của Thụy Điển chủ yếu dựa vào ý thức cá nhân mỗi người dân.

Chiến lược này bị nhiều nhà nghiên cứu Thụy Điển chỉ trích. Các nhà nghiên cứu cho rằng chính phủ Thụy Điển muốn xây dựng “miễn dịch cộng đồng”, và họ không ủng hộ chủ trương này.

Thụy Điển không áp dụng các biện pháp phong tỏa khắt khe, phần lớn nhà hàng, quán bar, cửa hàng vẫn mở cửa. Ảnh: CNN

Phần mình nhà chức trách Thụy Điển phủ nhận mình chủ ý theo đuổi mục tiêu đạt được “miễn dịch cộng đồng”.

Không đạt được “miễn dịch cộng đồng”

Dù chủ ý theo đuổi hay không chủ ý thì tính tới thời điểm cuối tháng 4, tỷ lệ dân Thụy Điển có kháng thể COVID-19 chỉ mới 7,3%. Con số này do Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển xác nhận với đài CNN.

Nghiên cứu được Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển thực hiện nhằm xác định tiềm năng “miễn dịch cộng đồng” trong dân số. Nghiên cứu dựa vào dữ liệu xét nghiệm nhà chức trách y tế đã thực hiện.

Người dân đi bộ và đạp xe trên một cây cầu giữa trung tâm Stockholm ngày 11-5. Ảnh: CNN

Theo CNN, tỷ lệ dân có kháng thể của Thụy Điển cũng khá tương tự với tỷ lệ dân các nước khác có kháng thể - dù các nước này áp dụng các biện pháp kiềm dịch nghiêm ngặt hơn. Chẳng hạn tỷ lệ này ở Tây Ban Nha là 5% (thời điểm ngày 14-5). Còn theo ước tính của chuyên gia Michael Osterholm – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách bệnh truyền nhiễm tại đại học Minnesota (Mỹ) với CNN đầu tháng này, tỷ lệ này ở Mỹ nằm ở khoảng 5%-15%.

Cả tỷ lệ dân có kháng thể COVID-19 ở Thụy Điển và ở các nước đều thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 70%-90% dân có kháng thể cần thiết để tạo “miễn dịch cộng đồng”.

Nhà nghiên cứu bệnh dịch hàng đầu Thụy Điển Anders Tegnell nói tỷ lệ này “thấp hơn chút ít” so với kỳ vọng, “nhưng không phải thấp quá, có lẽ chỉ thấp hơn (kỳ vọng-PV) 1%-2%).

“Nó hoàn toàn phù hợp với các mô hình chúng tôi có” – ông Tegnell nói tại một cuộc họp báo ở thủ đô Stockholm.

Tuy nhiên, ngày 24-4, ông Tegnell có nói với đài BBC rằng nhà chức trách Thụy Điển tin nước này có “mức miễn dịch ở khoảng từ 15%-20% dân số”. Ông Tegnell còn nhận xét chiến lược có “hiệu quả ở một vài khía cạnh”.

Khử trùng một xe cứu thương sau khi chở bệnh nhân đến bệnh viện Danderyd gần Stockholm (Thụy Điển) ngày 13-5. Ảnh: CNN

Ông Tegnell cũng nói hệ thống y tế Thụy Điển có khả năng ứng phó tốt với dịch, chăm sóc tốt bệnh nhân, luôn có ít nhất 20% lượng giường chăm sóc đặc biệt trống.

Tuy nhiên, tháng trước Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde và Giám đốc điều hành Peter Lindgren tại Viện Kinh tế Y tế Thụy Điển nói nước này đã không thể ngăn được con số tử vong quá cao ở các nhà dưỡng lão.

Tính tới thời điểm này đất nước Thụy Điển hơn 10 triệu dân đang có 32.172 ca nhiễm trong đó đã có 3.871 người tử vong, theo số liệu từ đại học John Hopkins.

“Miễn dịch cộng đồng” – sự tính toán nguy hiểm

“Miễn dịch cộng đồng” sẽ đạt được khi phần lớn dân số - từ 70%-90% - miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm (trong trường hợp này là COVID-19), có thể vì họ đã bị nhiễm và hồi phục, hoặc được tiêm vaccine. Khi có “miễn dịch cộng đồng”, những người chưa có được miễn dịch cũng ít có nguy cơ bị lây bệnh truyền nhiễm hơn, vì lượng người mang mầm bệnh truyền nhiễm có thể tiếp xúc với họ đã ít đi nhiều.

Hiện chưa có cộng đồng nào đạt được “miễn dịch cộng đồng”. Theo Trợ lý Giáo sư bệnh dịch học, Michael Mina tại trường Y tế Công cộng T. H. Chan thuộc đại học Harvard, rồi đây các cộng đồng sẽ có được miễn dịch, nhưng sẽ thông qua hình thức tiêm vaccine trước, chứ không phải chờ đến khi cho tự lây lan và hồi phục để tự có kháng thể.

Tiến sĩ Mike Ryan – Giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói nhận thức “miễn dịch cộng đồng” là một sự “tính toán nguy hiểm”.

Theo ông Michael Osterholm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách bệnh truyền nhiễm tại đại học Minnesota, COVID-19 sẽ lây lan và nhiễm cho ít nhất 60%-70% dân số trước khi giảm xuống, nhưng Mỹ còn “một con đường rất dài” để có thể có được mức độ “miễn dịch cộng đồng” này. Theo một báo cáo ông viết chung với các nhà nghiên cứu bệnh dịch khác, ước tính thời gian để có được mức miễn dịch này phải từ 18-24 tháng.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm