Họ nói rằng không phải là vật chất, trên tất cả là sự động viên tinh thần, giúp họ có thêm niềm tin để sống cởi mở hơn.
1. “Bà thấy vui hơn rồi, không buồn nhiều nữa đâu” - bà Đỗ Thị Mười (80 tuổi, ngụ ấp Phú Khương, Phú Túc, Châu Thành, Bến Tre) nói với tôi qua điện thoại với giọng hớn hở.
Bà Mười là nhân vật trong bài viết “Mẹ già và đàn con suốt ngày chỉ biết cười” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 13-5-2015.
Hơn 50 năm nay bà sống với sáu người con tàn tật về mặt tinh thần. Bà có tất cả chín người con nhưng chỉ có ba người khá tỉnh táo. Sáu người còn lại luôn nhìn bà bằng ánh mắt vô hồn và cứ cười suốt ngày.
Thời chiến tranh, nhà bà bị giặc đốt trong một đợt càn quét, mấy đứa con mắc kẹt trong nhà nhiều giờ liền. Bà và chồng nỗ lực để cứu nhưng do bị ngạt khói quá lâu, các con bà trở nên không còn tỉnh táo từ đó đến nay.
Ba người còn lại có gia đình riêng ở xa, cũng chỉ lo nổi thân mình nên không giúp gì được cho bà. Sáu người con đã trưởng thành nhưng không ai làm được gì mà chỉ nhìn bà cười suốt ngày khiến bà muốn chết đi nhiều lần.
Hằng ngày, bắt đầu từ 5 giờ sáng bà Liên đã phải đạp xe đi lượm ve chai. Ảnh: THANH TUYỀN
Bạn đọc khi biết câu chuyện của bà đã gọi điện thoại, xin địa chỉ nhà bà để xuống thăm. Có người thì gọi điện thoại nhờ tôi chuyển giúp một số tiền đến bà với lời nhắn mong bà sẽ mạnh mẽ hơn để sống và nuôi con.
Ngày tôi trở lại thăm bà, mang theo tấm lòng của đông đảo bạn đọc gửi tặng, bà nghẹn ngào: “Thật không biết phải làm sao, bà cảm ơn tấm lòng của mọi người. Vậy là bà không đơn độc mà ôm vạt áo khóc một mình nữa. Chưa bao giờ bà cảm nhận rõ sự quan tâm mà mọi người dành cho mình như lúc này”.
Gần đây nhất, khi tôi liên lạc với bà qua điện thoại, bà hớn hở: “Bà thấy vui hơn rồi, không buồn nhiều nữa đâu. Mỗi lần buồn tủi, bà đều nghĩ đến tấm lòng của mọi người, cười một cái rồi tiếp tục cuộc sống của mình. Bà tin mình sẽ sống vui với đàn con đến khi nhắm mắt xuôi tay”.
2. Mới hôm qua, bà Nguyễn Thị Liên (ngụ tổ 20A, khu phố 4, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai) phấn khởi kể: “Nhiều người gọi điện thoại hỏi nhà ở đâu rồi đến thăm. Họ mang theo mấy bao gạo với thức ăn khô tặng bà”. Bà Liên là nhân vật trong bài viết “Ấm tình công nhân lo cho bà cụ nhặt ve chai” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 23-1-2016.
Bảy năm trước con trai của bà, anh Tâm (46 tuổi), bị tai nạn khi đang phụ hồ. Anh bị gãy cột sống, lại bị suy thận nên nằm liệt một chỗ. Hai ông bà già không biết lấy đâu ra tiền lo cho con đành bán nhà, vay thêm tiền ngân hàng. Bốn năm sau chồng bà bị tai biến rồi hai chân yếu hẳn, không đi được. Ở tuổi 79, gần 10 năm nay bà đạp xe đạp đi khắp nơi lượm ve chai để nuôi chồng, nuôi con nằm một chỗ.
Một luật sư cung cấp thông tin về trường hợp của bà và nhờ chúng tôi xác minh để anh biết mà hỗ trợ. Khi bài báo về bà được đăng, anh luật sư và nhiều độc giả đã hỗ trợ cho bà. Bà kể có người coi địa chỉ rồi tự tìm đến nhà khiến bà bất ngờ.
“Nhiều người gọi điện thoại hỏi nhà ở đâu rồi đến thăm. Họ mang theo mấy bao gạo với thức ăn khô đến tặng bà. Có hai vợ chồng chú kia đến chơi, trò chuyện rồi ăn cùng bữa cơm, cho thêm đồ dùng trong nhà. Có người thì gọi điện thoại hỏi thăm rồi hẹn ngày sang nhà chơi… Từ ngày có bài báo, tự nhiên trong nhà ấm áp hơn hẳn” - bà nói trong niềm vui.
Đến nay, với sự giúp đỡ của mọi người dù không nhiều nhưng bà bảo bà thấy được an ủi hơn nhiều. “Giờ đi đâu mọi người cũng hỏi han, cho cái này cái kia. Có người còn gom chai lọ lại rồi gọi điện thoại cho bà đến lấy. Có người thì đem thùng ve chai đến tận nhà cho vì sợ bà đạp xe đi cực quá, nhà anh đó nghèo nên bảo là chỉ có thể giúp bà bằng cách này” - bà háo hức.
3. Hai năm sau bài báo tôi viết, bé Tâm đã được đến trường và đang theo học lớp 2 tại một trường tiểu học ở quận 9, TP.HCM. Em là Nguyễn Ngọc Tâm, nhân vật trong bài báo “Bé gái 6 tuổi và âm mưu của người mẹ kế” mà báo Pháp Luật TP.HCM từng đăng năm 2014.
Bé Nguyễn Ngọc Tâm (áo hồng chấm bi) đang học lớp 2 ở một trường tiểu học ở quận 9, đang cùng em họ học thêm tiếng Anh qua mạng sau giờ học ở trường. ẢNH: THANH TUYỀN
Cha mẹ Tâm chia tay khi em còn nhỏ. Cha lấy vợ mới, còn mẹ cũng theo một người khác, bỏ ba anh em ở với bà ngoại. Tâm cùng ngoại và hai anh trai vào Sài Gòn sinh sống. Để có tiền sống qua ngày, Tâm đi bán vé số cùng bà ngoại từ sáng sớm cho đến tối khuya mới về. Vì nhớ cha nên thỉnh thoảng Tâm vẫn xin ngoại đưa về Đức Linh, Bình Thuận thăm cha.
Trong một chuyến về quê thăm cha, Tâm may mắn thoát chết trước âm mưu của người mẹ kế. Vì ghen tức với tình cảm của hai cha con em, người mẹ kế đã bỏ thuốc rầy vào chai nước Sting rồi đưa cho em uống. May mắn thay, hôm đó vì mệt quá nên Tâm không nhấp nổi ngụm nước, bà ngoại em lại là người uống chai Sting và phải nhập viện để súc ruột ngay lập tức.
Sau khi bài báo đăng, rất nhiều người đã đến căn phòng trọ nơi bốn bà cháu sinh sống để thăm hỏi, động viên. Bà Phạm Thị Hương, bà ngoại Tâm, kể rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến chia sẻ với hai bà cháu, có người thì đến tận nhà thăm và tặng quà bánh, sữa và gạo.
Hiểu được hoàn cảnh của hai bà cháu, chủ nhà trọ đã giúp đỡ bà Hương làm thủ tục để bé Tâm được đến trường. Năm học vừa rồi, Tâm còn giành được học bổng và là học sinh giỏi tiêu biểu của lớp.
“Trước đây, tôi có nghĩ đến chuyện cho Tâm đi học nhưng lúc đó khó khăn lắm, nghĩ chắc không bao giờ làm được. Bây giờ, mỗi ngày nhìn thấy nó mang bộ đồng phục đi học, tôi vui lắm. Chính tình cảm của mọi người gần xa đã giúp hai bà cháu có thêm niềm tin để sống tiếp. Hai bà cháu tôi phải sống thật vui để không phụ sự quan tâm mà mọi người dành cho mình” - bà Hương tâm sự.