Nữ thủ tướng thứ hai của Anh Theresa May rất mê công việc, được đánh giá còn cứng cỏi hơn nữ thủ tướng đầu tiên của Anh Margaret Thatcher và có thể sẽ trở thành nữ chính trị gia quyền lực nhất thế giới.
Cứng hơn cả bà đầm thép
Bà Theresa May, 59 tuổi, trở thành nữ thủ tướng thứ hai của nước Anh sau bà Margaret Thatcher, khi Thủ tướng David Cameron từ chức vào ngày 13-7. Bà May bước chân vào chính trị đã hơn 30 năm và giữ chức vụ thành viên Quốc hội Anh từ năm 1997.
Bà Theresa May có thể sẽ là nữ chính trị gia quyền lực nhất thế giới. Ảnh: GETTY IMAGES
Hãng tin CNN (Mỹ) mô tả bà May là một người đặc biệt say mê công việc, một đặc điểm khiến người ta liên tưởng tới bà đầm thép Thatcher. Thậm chí theo đánh giá của báo The Daily Beast (Mỹ), bà May sẽ còn cứng cỏi và lợi hại hơn cả bà Thatcher. Thời điểm được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ năm 1975, bà Thatcher còn chưa thật sự ở phong độ chính trị tốt nhất và còn giữ hình ảnh người phụ nữ gia đình.
Trong khi đó, bà May trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ và thủ tướng Anh khi phong độ chính trị đã được tôi luyện và chín muồi. Từ tháng 10-2010 đến nay, bà May đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Nội vụ Anh và là người giữ chức này trong thời gian dài nhất hơn nửa thế kỷ qua tại Anh. Bộ trưởng Nội vụ là một vị trí khá khắc nghiệt, bị xem là “mồ chôn” của sự nghiệp chính trị và thường kết thúc cùng với bê bối và mất danh dự. Tuy thế, sau sáu năm làm Bộ trưởng Nội vụ, sự nghiệp chính trị của bà May chẳng những không đi xuống mà còn đi thẳng lên vị trí thủ tướng.
Bà May rất nổi tiếng với sự cứng rắn trong quan hệ đối ngoại. Bà May từng từ chối thẳng thừng yêu cầu của Mỹ dẫn độ một tin tặc người Anh, cũng như quyết liệt trục xuất một công dân Anh là giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Abu Hamza khỏi Anh. Bà May có nhiều nỗ lực hỗ trợ cảnh sát truy quét tội phạm, giảm nhập cư trái phép, hạn chế nguy cơ khủng bố. Tuy nhiên, The Daily Beast cho biết thành tựu an ninh của bà May thật ra còn ấn tượng hơn những gì trên mặt báo. Có rất nhiều âm mưu khủng bố được an ninh Anh triệt phá bí mật.
Ông Philip May chúc mừng vợ Theresa May khi bà nhận vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ ngày 11-7. Ảnh: GETTY IMAGES
Bậc thầy về ra quyết định
Nước Anh đang ở thời điểm khủng hoảng chính trị lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai vì sự kiện Brexit. Đây vô tình lại chính là cơ hội để bà May loại bỏ các đối thủ Bảo thủ chạy đua vào ghế thủ tướng với bà, theo The Daily Beast. Các đối thủ Boris Johnson, Michael Gove, Andrea Leadsom đều không đủ kinh nghiệm tài chính và năng lực dẫn dắt Anh trong các mối quan hệ phức tạp “hậu Brexit”. Phát biểu sau khi đối thủ cuối cùng Andrea Leadsom tuyên bố rút lui ngày 11-7, bà May tự tin khẳng định chiến thắng của bà được tạo nên nhờ sự mạnh mẽ và tài năng lãnh đạo. Lời lẽ này thấp thoáng hình ảnh của “bà đầm thép” Thatcher. Khi được bầu làm thủ tướng Anh năm 1979, nữ thủ tướng Thatcher từng nói: “Nơi nào có bất hòa, chúng ta sẽ mang đến sự hòa hợp. Nơi nào có sai lầm, chúng ta sẽ mang đến sự đúng đắn. Nơi nào có hồ nghi, chúng ta sẽ mang đến niềm tin. Và nơi nào có sự tuyệt vọng, chúng ta sẽ mang đến hy vọng”.
Không chỉ quyết đoán, tự tin, bà May còn là một bậc thầy về việc ra quyết định. Chưa cần là thủ tướng, vị bộ trưởng Nội vụ đã phải thường xuyên ra các quyết định quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, tính mạng của nhân viên và người dân Anh. Theo một quan chức Bộ Nội vụ Anh, bà May là một người ra quyết định “siêu chính xác”. Bất kể nhận được cố vấn như thế nào, các quyết định của bà cũng chưa bao giờ sai. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Anh Ken Clarke, người từng là thành viên nội các của bà Thatcher, còn mô tả bà May là “người phụ nữ cực kỳ cố chấp”.
Đón đầu thách thức
Chờ đợi nữ thủ tướng tương lai của Anh ở phía trước là những thách thức lớn. Thách thức đầu tiên là thành lập chính phủ. Theo hãng tin BBC (Anh), bà May sẽ chỉ có 1-2 ngày cho công việc này. Việc lựa chọn những vị trí quan trọng trong nội các, đặc biệt ba vị trí bộ trưởng Tài chính, ngoại trưởng, bộ trưởng Nội vụ trong thời gian ngắn không phải là chuyện đơn giản. Khả năng bà May sẽ ưu tiên các cá nhân ủng hộ bà vào ghế thủ tướng, tuy nhiên vẫn sẽ phải cân đối giữa lực lượng ủng hộ và phản đối Brexit.
Đối mặt với các lãnh đạo thế giới, đặc biệt là với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ là một áp lực với tân thủ tướng Anh nhằm tạo thuận lợi cho cuộc đàm phán Brexit cũng như duy trì tốt quan hệ quốc phòng và kinh tế với Mỹ sau khi Anh rời EU. Đàm phán Brexit chắc chắn sẽ là thách thức lớn nhất đối với nữ thủ tướng May. Dù ủng hộ Anh ở lại EU nhưng bà khẳng định “Brexit nghĩa là Brexit” và cam kết sẽ đàm phán để Anh rời EU thành công.
Bà Theresa May (trái) được đánh giá cứng cỏi hơn bà Angela Merkel (phải). Ảnh: THE DAILY BEAST
Bà May đã tuyên bố là sẽ không kích hoạt điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon bắt đầu hai năm đàm phán Brexit trước khi kết thúc năm 2016 mà muốn có các cuộc nói chuyện không chính thức với các lãnh đạo EU trước. Theo BBC, bà May muốn có thời gian để lập đội đàm phán cũng như cân nhắc về các vấn đề quan trọng như nhập cư, tiếp cận thị trường chung châu Âu trước khi cuộc đàm phán chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, các lãnh đạo EU lại không muốn Anh dây dưa tình trạng nói đi mà không đi nên bà May sẽ bị EU thúc ép tuyên bố kích hoạt điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon càng sớm càng tốt. Ngoài EU, bà May cũng sẽ chịu áp lực từ các nghị sĩ Anh ủng hộ Brexit phải xúc tiến đàm phán ra đi sớm, vì lo ngại để lâu hóa bùn, đặc biệt trong hoàn cảnh bà May lại có quan điểm phản đối Brexit.
Ở cương vị thủ tướng Anh, bà May sẽ không chỉ phải đàm phán Brexit thành công mà còn phải ổn định và phát triển nước Anh hậu Brexit, chưa kể còn hàng loạt vấn đề đối nội, đối ngoại phức tạp. Tuy nhiên, theo chính Thủ tướng David Cameron, bà May với sự “mạnh mẽ và đầy năng lực” của mình hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này.
Ứng viên “soán ngôi” bà Merkel Tạp chí News Week (Mỹ) nhận định bà May sẽ trở thành nữ chính trị gia quyền lực hơn hẳn cả bà Merkel vì nước Anh độc lập về mọi mặt, còn Đức lại là một nước phải gánh vác khối EU. Quan điểm chính trị của bà May đặc biệt bảo thủ và thực dụng. Dù thể hiện quan điểm ủng hộ Anh ở lại EU nhưng bà May khẳng định như đinh đóng cột rằng sẽ tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý. Bà cam kết sẽ đàm phán để Anh rời EU thành công, không tìm cách vào lại EU bằng cửa sau nào. News Week nhận định việc bà May làm thủ tướng Anh là diễn biến chính trị rất quan trọng với phương Tây. Ở cương vị thủ tướng Anh, bà May sẽ phải đối mặt với một nữ chính trị gia khác cực kỳ mạnh mẽ - bà Merkel, đặc biệt trong quá trình đàm phán Brexit. Quan điểm của bà Merkel trong vấn đề đàm phán Brexit với Anh rất rõ ràng và quyết liệt. Dù rất muốn giữ Anh ở lại EU, bà Merkel tuyên bố thẳng sẽ không có chuyện nhân nhượng Anh trong đàm phán Brexit. Tiến trình đàm phán sẽ do Ủy ban châu Âu phụ trách. Thế nhưng bà Merkel vẫn tự lập ra một đội đàm phán riêng đại diện cho Đức. Và rõ ràng là nếu không có ý kiến của Đức thì Ủy ban EU sẽ không làm được gì. Ngoài ra, việc bà May ngồi vào vị trí thủ tướng Anh sẽ tiếp thêm động lực cho bà Hillary Clinton phía bên kia bờ Đại Tây Dương trong cuộc đua vào ghế tổng thống Mỹ. Chắc chắn việc Anh có nữ thủ tướng sẽ khiến bộ phận cử tri nữ Mỹ có đánh giá khác hơn về bà Clinton. Theo News Week, đây có vẻ là thời đại nữ quyền lên ngôi với những cái tên Theresa May, Angela Merkel, Hillary Clinton. |