Sau khi vượt qua vòng loại và phần thi tài năng, 60 cô gái xuất hiện trong cuộc thi lần này đều phải mặc những bộ áo tắm để khoe thân hình nóng bỏng trước các đại gia.
Các cô gái biểu diễn trên sân khấu tại bãi biển, trước sự chứng kiến của các vị khách, giám khảo toàn đại gia -Ảnh: Chinamask
Các cô gái trong những bộ áo tắm phải cố gắng thể hiện hết mình để được lọt vào mắt các đại gia, với hi vọng họ sẽ được các đại gia chọn làm vợ.
Những nam đại gia muốn gia tham gia sự kiện này phải có tài sản trên 30 triệu yuan (4,6 triệu USD ) và thu nhập hằng tháng trên 1 triệu yuan (150.000 USD), và phải trả 99.999 yuan để mua vé tham dự cuộc thi này.
Những vị khách nữ phải bước qua nhiều vòng tuyển chọn đặc biệt, chủ yếu là ngoại hình đẹp và gợi cảm mới có thể tham dự buổi tiệc tối sau đó.
Không chỉ có những cô gái tham dự cuộc thi kén vợ này mà hiện tượng những cô gái trẻ đẹp, thậm chí học thức cao ở Trung Quốc lại chấp nhận làm bồ nhí cho đại gia, các nhân vật tai to mặt lớn, giàu có cũng bùng nổ tại đây.
Gần đây, báo chí Trung Quốc phanh phui một đường dây chuyên cho thuê người tình ở Thượng Hải. Trung tâm này có danh sách của những cô gái trẻ, là sinh viên đại học đồng ý làm tình nhân cho những người đàn ông chịu trả tiền. Chi phí trọn gói khoảng 3.000 USD/năm cho một sinh viên ở một trường đại học thường và lên đến 26.000 USD/năm nếu kiều nữ học ở trường danh tiếng.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng các cô gái trẻ không được giáo dục những giá trị căn bản khi còn nhỏ, như giá trị của tự trọng, tự tôn.
Trên các trang web tìm bạn phổ biến ở Trung Quốc, phụ nữ không tìm ý trung nhân dựa trên những sở thích chung mà bằng những đại lượng dễ đo, đếm như có nhà, xe hơi và tiền lương tối thiểu mỗi tháng. Bởi vì, “thà khóc trong một chiếc BMW còn hơn cười trên yên sau xe đạp” là phương châm kiếm chồng của nhiều cô gái trẻ ở Trung Quốc.
Theo một cuộc thăm dò của báo Thanh Niên Trung Quốc năm 2010 đối với người dưới 30 tuổi, khoảng 70% cho biết bạn bè của họ coi việc lấy được chồng giàu hay dựa vào tiền và thế lực của đàn ông có địa vị là mục tiêu của cuộc đời.
Vì thế, trong học kỳ tháng 9-2011, các nữ sinh ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc sẽ được học một môn học mới: môn “để không trở thành vợ bé”. Đây một ý tưởng hoàn toàn mới mẻ của chính quyền tỉnh Quảng Đông nhằm đối chọi với đại dịch vợ bé tràn lan ở Trung Quốc, trong khi luật pháp Trung Quốc cấm đàn ông có vợ bé.
Theo DUY PHÚC (TTO) tổng hợp