Không phải ngẫu nhiên mà một loạt công trình, tượng đài gần đây đều nhấn mạnh vào kích cỡ “to nhất”, “dài nhất”, “cao nhất”.
Kỷ lục nối tiếp kỷ lục
Giữa tháng 3-2015, nhiều cư dân mạng chia sẻ hai tấm ảnh mang tính tương phản cao: Một chụp tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng vừa hoàn thành ở Quảng Nam với chi phí 411 tỉ đồng, một chụp một bà mẹ anh hùng khốn khó trong đời thực.
Rõ ràng công luận có lý do để bức xúc vì dù tượng đài này không được xây bằng ngân sách nhưng khoản tiền khổng lồ ấy nếu được dùng để giúp đỡ những bà mẹ anh hùng đang sống trong cảnh khốn khó sẽ có ý nghĩa và hiệu quả hơn nhiều. Nhất là việc xây tượng mẹ anh hùng với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á có thể khoét sâu nỗi đau của những bà mẹ khác có con chết trận ở chiến tuyến khác trong bối cảnh kỷ niệm 40 thống nhất đất nước đang đến gần.
Cùng thời điểm, báo chí cũng đưa tin về việc khởi công xây dựng tượng Phật Thích Ca cao nhất thế giới (cao 81 m) khắc vào vách núi Sam tại TP Châu Đốc (tỉnh An Giang), ngoài ra là tháp truyền hình Việt Nam phá kỷ lục thế giới (cao 636 m) tại Hà Nội, thậm chí còn cao hơn cả tháp Tokyo Sky Tree của Nhật. Có thể vẫn có những người tự hào về hai kỷ lục sắp thành hiện thực đó nhưng nếu suy nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy việc xây một biểu tượng Phật giáo bề thế đi ngược lại triết lý nhà Phật về việc hạn chế khoa trương, trong lúc tư duy xây tháp truyền hình bây giờ đã trở nên lạc hậu. Đang là thời truyền hình vệ tinh và tích hợp các dịch vụ truyền thông ứng dụng công nghệ cao, chẳng có quốc gia nào triển khai các dự án xây tháp truyền hình cao ngất như trước. Ngay cả các tháp truyền hình nổi tiếng như tháp Eiffel, tháp Tokyo, tháp Seoul hiện nay chủ yếu được khai thác làm điểm tham quan du lịch, quan sát trên cao.
Hội chứng “phát cuồng với những cái khổng lồ”
Nhìn từ kích cỡ những công trình, tượng đài nêu trên, có thể thấy đây là hiện tượng gigantomania, có thể diễn giải nôm na là “phát cuồng với những cái khổng lồ”. Vấn đề là sự phát cuồng về kích cỡ không chỉ phát xuất từ phía cơ quan đoàn thể, tổ chức nhà nước hay doanh nghiệp mà nhiều người dân cũng sẽ nườm nượp tới những chỗ này khi chúng được hoàn thành với niềm tự hào rằng Việt Nam nay đã có công trình bề thế nhất thế giới.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, hội chứng gigantomania rất được ưa thích ở Liên Xô thời Stalin, ở Đức thời phát xít và ở CHDCND Triều Tiên hiện nay. Tại Việt Nam, phong trào chạy đua về kích cỡ thể hiện qua việc các địa phương đua nhau xây cáp treo dài nhất, dựng tượng đài cao nhất, nấu bánh chưng to nhất, tô hủ tiếu to nhất… dù gặp nhiều phản ứng từ công luận.
Mới đây, trên trang blog cá nhân, nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ suy nghĩ của ông về hiện trạng này: “Dường như người Việt đang bước vào thời kỳ chạy đua niềm vui với cái “nhất”. Cuộc đời trần tục hầm hập phả hơi nóng của cái “nhất” từ miếng ăn đến tận linh hồn tín ngưỡng khiến mọi thứ đều phải là “nhất”: Người ta chen nhau giật lá bùa, giật cái ấn, cướp cái phết… đến vật vã để mình được là “nhất”. Nhưng liệu người Việt đã đủ lớn để kiểm soát những cái nhất của mình chưa?”.
Người viết xin mượn status của một người bạn trên Facebook để tạm kết bài viết này: “Chẳng hiểu sao giữa lúc văn hóa ứng xử giữa người với người đang ngày càng lùn đi, biểu hiện qua việc nữ sinh Trà Vinh bị bạn học mở cuộc thanh trừng ngay tại lớp, người ta lại nghĩ đến chuyện xây một cái tháp truyền hình cao thật cao? Để khỏa lấp thực tại hay để người dân ngước lên nhìn và tạm quên đi những mối lo âu, bất ổn thường nhật?”.
BENJAMIN NGÔ