105 tấn ngà voi, số lượng nhiều nhất từ trước đến nay, đã bị thiêu hủy tại Công viên quốc gia Nairobi trước sự chứng kiến của hàng ngàn người, trong đó có Tống thống Gabon Ali Bongo, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni, các quan chức Liên Hiệp Quốc, các nhà bảo tồn môi trường, doanh nhân và các chính trị gia từ khắp nơi trên thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Kenyatta cho biết: "Đã đến lúc chúng ta phải đứng lên đấu tranh. Kenya muốn tuyên bố rằng nếu loài voi không bị tàn sát để lấy ngà thì ngà voi chẳng có giá trị gì đối với chúng tôi".
Cơ quan động vật hoang dã Kenya cho biết lượng ngà voi và sừng tê giác thu gom được cho thấy có hơn 8.000 con voi và khoảng 343 con tê giác đã bị giết hại.
Voi châu Phi đang có nguy cơ bị tuyệt chủng vì nạn săn bắt trộm do nhu cầu tiêu thụ ngà voi bất hợp pháp, chủ yếu là tại thị trường châu Á. Khoảng 30.000 con voi bị giết mỗi năm ở châu Phi. Với mức độ tàn sát này, loài voi có khả năng sẽ bị tuyệt chủng trong vòng 20 năm tới.
Tổng thống Kenyatta đã đăng trên Twitter: "Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng. Nếu voi không bị tàn sát để lấy ngà thì ngà voi chẳng có giá trị gì".
Nhân viên kiểm lâm đứng trước cụm ngà voi được chất đống tại Công viên quốc gia Nairobi ngày 30-4. (Ảnh: THE INDEPENDENT)
Nữ diễn viên Lupita Nyong'o, từng đoạt giải Oscar với bộ phim 12 năm nô lệ, cũng đã đăng trên Twitter để đánh dấu "khoảnh khắc lịch sử" của đất nước.
Trước sự kiện, Kitili Mbathi, người đứng đầu Cơ quan động vật hoang dã Kenya, cho biết: "Chúng tôi muốn truyền tải thông điệp rằng ngà voi không có giá trị gì, giá trị chính là ở những chú voi bị giết hại. Bất cứ ai sở hữu ngà voi nên cảm thấy xấu hổ về bản thân. Hãy nói không với buôn bán ngà voi".
Tổng thống Bongo của Gabon phát biểu tại buổi lễ đã đưa ra lời cảnh báo cho những kẻ trục lợi từ việc giết voi và tê giác: "Những kẻ săn bắt trộm, những người mua bán ngà voi và sừng tê giác sẽ bị pháp luật trừng trị".
Hội nghị thượng đỉnh về động vật hoang dã Giants Club đã được tổ chức tại Laikipia với mục đích cứu lấy loài voi châu Phi. Các quốc gia thành viên Giants Club gồm Botswana, Gabon, Uganda và Kenya đã công bố các biện pháp bảo tồn loài voi trong hội nghị thượng đỉnh này.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh, Kenyatta cho biết nạn săn bắt trộm là một "mối đe dọa trực tiếp" với sự phát triển kinh tế của châu Phi và cam kết đưa ra "lệnh cấm hoàn toàn buôn bán ngà voi" tại cuộc họp lần thứ 17 của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) ở Nam Phi vào cuối năm nay.
Công ước CITES đã cấm các hoạt động buôn bán ngà voi châu Phi vào năm 1989. Tuy nhiên, lệnh cấm này đã từng được nới lỏng, dẫn đến sự leo thang trong hoạt động săn bắt trái phép gần đây.
TS Max Graham, Giám đốc điều hành Space for Giants, tổ chức từ thiện của Giant Club, cho biết: "Lực lượng kiểm lâm, hệ thống hàng rào đã được cải thiện để giảm xung đột giữa người và voi. Đồng thời tăng cường các khuôn khổ pháp lý để kết án những kẻ săn trộm và buôn lậu sẽ giúp bảo tồn loài voi và cho chúng ta thời gian để chấm dứt hành động trái phép này".
Để thiêu hủy một lượng ngà voi khổng lồ như vậy cần phải có khâu công tác hậu cần chặt chẽ, vì cần nhiệt độ cao. Ngà voi được chia thành 11 cụm, với số lượng 105 tấn sẽ mất nhiều ngày để tiêu tán lượng tro.
Việc thiêu hủy ngà voi đã dần trở nên phổ biến, một phần bởi vì tính biểu tượng có thể truyền tải thông điệp và còn do lượng ngà voi khổng lồ như vậy khiến công tác bảo vệ và duy trì rất tốn kém. Lượng ngà voi này cần phải có khu vực với hệ thống an ninh bảo vệ và công nghệ cao 24/24 giờ.
Sự kiện thiêu hủy ngà voi đã diễn ra lần đầu tiên vào năm 1989 khi Tổng thống khi đó của Kenya là Daniel Arap Moi thiêu hủy 12 tấn ngà voi tại Công viên quốc gia Nairobi. Ông trả lời báo chí rằng: "Tôi muốn kêu gọi mọi người trên khắp thế giới ngừng mua bán ngà voi".