Ngày Thơ Việt Nam ngày càng mở rộng, năm nay được đồng loạt tổ chức tại nhiều địa phương trong cả nước, là tín hiệu vui cho những người yêu thơ.
Tôi chợt nhớ tới tập tiểu luận về thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng Thơ cần thiết cho ai.Xin mượn tên tập sách này để nói thêm đôi điều về chuyện làm thơ và đọc thơ.
Hiện nay trên báo chí, phần dành cho thơ ngày càng thu hẹp lại. Nhiều báo bỏ luôn mục thơ. Chỉ còn vài tạp chí văn nghệ có trang thơ nhưng lượng ấn bản phát hành rất khiêm tốn. Nhiều tạp chí văn nghệ phải đình bản. Nhiều người cứ nghĩ “thế là thơ không còn đất sống”. Nhất là trong thời đại Internet, thông tin giải trí nghe nhìn tràn ngập trên các trang mạng, còn mấy ai quan tâm tới thơ nữa. Thế nhưng ngược lại, nhờ Internet, qua các trang mạng, thơ phát triển ồ ạt. Dĩ nhiên chỉ nói đến số lượng thơ hoặc “cái gọi là thơ”. Nhiều người có tâm sự gì đó cũng viết những câu có vần điệu vô thưởng vô phạt “gọi là thơ” “post” tràn lan trên các trang mạng một cách thoải mái… Ai muốn đọc, khen chê, phê bình gì, xin cứ tự nhiên.
Nếu như trước đây nhiều người làm thơ gửi báo chí, để được đăng cũng không dễ dàng gì. Do nhiều tạp chí văn nghệ có tiêu chí tuyển chọn rất nghiêm túc, khó khăn. Kể cả trang thơ trên các báo chính trị xã hội cũng dành rất ít “đất” cho thơ trong khi lượng thơ gửi về rất nhiều. Nhiều người bèn gom thơ in thành tập để kỷ niệm và tặng thân hữu. Thơ được in dưới nhiều dạng: Người có tiền kha khá, gửi bản thảo nhờ nhà xuất bản xin phép in đàng hoàng, ấn phẩm đẹp cầm thấy sướng tay. Người ít tiền gom thơ in vi tính vài trăm cuốn cũng thấy vui. Các tập thơ ra đời trong hoàn cảnh nào cũng đều được nâng niu tặng người thân, bạn bè. Còn những người không gom đủ thơ, đủ tiền in thì gặp bè bạn trong những cuộc trà dư tửu hậu sẽ “xuất bản miệng” - tức đọc cho bè bạn nghe chơi. Dĩ nhiên chỉ đọc thì “nghe qua rồi bỏ”, chẳng để lại gì!
Nói về chuyện làm thơ và đọc thơ, trong đời những người làm thơ, yêu thơ, đọc cả ngàn bài thơ, gặp được câu thơ hay có khi nó đi vào tiềm thức lúc nào không hay. Hoặc bản thân có khi làm được vài câu thơ tâm đắc rồi tắc tị, bèn vất vào sọt rác. Nhưng nó vẫn còn ám ảnh mãi, cứ mỗi khi mở trang giấy trắng ra câu thơ ấy lại hiện về. Bản thân tôi có lần đưa một bài thơ in lên báo xong, bỗng giật mình. Vì hình như có ý thơ trong bài mình đã đọc đâu đó, của ai hay của mình làm rồi vất đi từ bao giờ? Cái vô thức lẫn lộn ám ảnh mình đến nhiều ngày sau.
Tôi tâm đắc với Nguyễn Đức Tùng khi anh viết trong tác phẩm Thơ cần thiết cho ai: “Thơ giúp một người sống đến tận cùng giới hạn của cuộc đời. Di chuyển giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thành công và thất bại…”. Vì vậy, thơ có thể không là gì với nhiều người nhưng có khi là tất cả với một người. Thậm chí cứu rỗi cả cuộc đời người ấy!
Trong bài “Tuyên ngôn biến cải thơ” trên tạp chí Thơ Tân Hình Thức, số 33, tháng 2-2017 vừa qua, nhà thơ Mỹ G.M. Palmer viết: “Thơ đương đại đang chết! Nó đang giẫy chết trên giường viện dưỡng lão… Dù sao thì chúng ta cũng không có tên trong chúc thư…”. Mục đích bài viết lý giải việc “biến cải thơ” truyền thống và đương đại sang tân hình thức, hậu hiện đại. Nhưng theo tôi, thơ truyền thống, thơ mới, thơ tự do hay tân hình thức, hậu hiện đại gì, miễn là thơ - nhất là thơ hay sẽ đi vào và ở mãi trong lòng người yêu thơ. Thơ hay thì không bao giờ chết.