Thoát cảnh được mùa mất giá chỉ với 500.000 đồng/tháng

Đại dịch COVID-19 thúc đẩy không chỉ người làm công ăn lương, công việc bàn giấy gắn với máy tính, với công nghệ làm việc từ xa, mà còn là động lực để nông dân hướng tới các lợi ích không ngờ từ chuyển đổi số.

Đấy là lý do mà Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VI, tổ chức sáng nay, 2-12, tại Hà Nội với chủ đề: Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp đã được tổ chức tại Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đánh giá hiện nay kinh tế số là xu thế tất yếu của thời đại. Đặc biệt, dưới tác động của dịch Covid-19, chuyển đổi số không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực, từng người dân.

Diễn đàn nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp. Ảnh: AH

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cũng cho rằng chuyển đổi số là câu chuyện không hề mới và với nền tảng số như hiện nay thì bất cứ ai cũng có thể ứng dụng chuyển đổi số.

Đơn cử thay vì ghi chép các dữ liệu vào sổ tay nông hộ, người nông dân có thể tải những thông tin này lên mạng, thông qua nhiều ứng dụng đang có sẵn, và chi phí cho việc này chỉ tốn khoảng 500.000 đồng/tháng. Con số không hề lớn nhưng lợi ích mà nó mang lại sẽ rất lớn.

"Vì sao ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu, tôi xin dẫn chứng như thế này, vào mùa thu hoạch sầu riêng ở Tiền Giang, giá giảm chỉ 40.000 đồng/kg nhưng 40 ngày sau chúng tôi phải thu mua tới 70.000 đồng/kg ngay tại vườn. Đây chính là những rủi ro về thị trường, thời vụ mà các doanh nghiệp cần nắm bắt được để tránh thiệt hại" - bà Thực chia sẻ.

Theo bà Thực, muốn có cơ sở dữ liệu này, chính nông dân sẽ là người xây dựng, cập nhật ngày trồng, ngày phun thuốc, dự kiến ngày thu hoạch… Nếu doanh nghiệp nắm được thông tin này sẽ chủ động trong việc thu mua và nông dân cũng sẽ tiện lợi khi cần truy xuất nguồn gốc.

Chia sẻ về câu chuyện xuất khẩu nghệ của công ty mình, ông Hoàng Quang Đông, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 cho biết từ năm 2016, công ty ông đã đầu tư hàng chục triệu đồng để quảng cáo sản phẩm trên kênh mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Dù mới đầu làm việc này nhưng đã thu được thành quả rất tốt. Nhiều đại lý đã kết nối, xuất bán thu về hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Trong ba năm trở lại đây, công ty ông Đông đã hợp tác với đối tác Nhật Bản, Châu Âu xuất khẩu hàng trăm tấn nghệ mỗi năm. Để đáp ứng xuất khẩu, sắp tới, công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để bán các sản phẩm mới, giá trị cao hơn.

Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều mặt hàng phụ trợ, đầu vào tăng cao như cước vận tải, giá xăng dầu... như tiền cước container tăng cao đến 350 triệu đồng khiến công ty khó khăn.

"Hiện tình hình đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, liên tục xuất hiện biến chủng. Giá cước, vật tư... vẫn tiếp tục tăng cao và khó lường. Chúng tôi rất mong có được dự báo giá cước vận tải, giá xăng dầu... để doanh nghiệp của tôi và các doanh nghiệp, người dân trong cả nước có thể ứng phó kịp thời và có giải pháp, cân đối sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thuận lợi hơn" - ông Đông chia sẻ.

Trả lời câu hỏi này, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), ông Nguyễn Quốc Toản cho hay thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch nên chuỗi logistics đứt gẫy, giá cước vận tải tăng cao và khó dự đoán. Đây là vấn đề lớn rất cần nhiều đơn vị, cơ quan như Bộ GTVT, Bộ Công thương.... vào cuộc để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vào cuộc quyết liệt và phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn và có dự báo về thị trường cũng như giá cả các mặt hàng... giúp bà con cân đối sản xuất và xuất khẩu” – ông Toản nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm