Sáng 18-5, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: VGP
Báo cáo tại hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, vừa qua ông có đi giám sát, kiểm tra một số địa phương về công tác chuẩn bị bầu cử. Khi đến kiểm tra các tỉnh biên giới phía Bắc, ông cho rằng cần tính đến điều kiện thời điết trong ngày bầu cử.
“Hôm tôi lên Bắc Kạn, trước hôm tôi lên đã xảy ra bão lũ, lũ ống lũ quét khiến cho hơn 400 ngôi nhà bị hư hỏng phải sửa chữa, người chết có và bị thương cũng có” – Thượng tướng Giang nói và cho rằng ở các tỉnh biên giới phía Bắc đang bước vào mùa mưa lũ nên cần tính đến phương án bầu cử trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Từ đó có thể ủy quyền cho đia phương tổ chức bầu cử cho phù hợp.
Bộ Quốc phòng cũng đã có hơn 100 đơn vị đã tổ chức bầu cử sớm từ ngày 4-5 đến nay ở Quảng Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa. “Vùng dịch chúng ta cũng phải tính đến chuyện bầu cử sớm cho phù hợp, chứ nếu không bầu cử đúng ngày 23-5 thì tôi sợ có khi chúng ta không hoàn thành thành trọn vẹn” – Thượng tướng Giang nói.
Liên quan đến việc này, bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, cho rằng thách thức hiện nay là tỉnh có khoảng 30.000 công nhân lao động từ Bắc Giang qua Bắc Ninh làm việc và tỉnh có trên 3.000 người sang Bắc Giang làm việc rất phức tạp. Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh có 10 khu công nghiệp có lao động của 21 tỉnh, thành khác.
Do vậy, bà Lan đề xuất tổ chức khai mạc bầu cử ở các tỉnh có dịch theo tinh thần gọn gàng nhất, đảm bảo an toàn. “Nếu được thì cần có hướng dẫn cho các địa phương có các điểm cách ly tập trung, khu vực phong toả được bỏ phiếu sớm trước 1-2 ngày để tập trung chỉ đạo cho các khu vực này vì khu vực này rất phức tạp” – bà Lan đề xuất.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các địa phương chủ động, linh hoạt khi xây dựng phương án bầu cử phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, trong đó có điều kiện thực tiễn về phòng chống dịch bệnh và thiên tai lũ lụt.
“Phải có sự chủ động chứ không phải cứ cứng nhắc, bởi mỗi địa phương có điều kiện khác nhau, thiên tai lũ lụt có thể xảy ra lúc này lúc khác. Ví dụ như Quảng Ngãi họ gửi thẻ cử tri cùng tờ khai báo y tế đến nhà cử tri, cử tri khai trước rồi đến nộp là xong, cũng là cái hay” – ông Định nói.
Đối với các địa phương không có dịch COVID-19 thì ông Định cho rằng cũng không cần thiết phải khai báo y tế.
Còn vế kiến nghị bầu cử sớm, ông Định cho rằng luật cho phép thì Hội đồng Bầu cử quốc gia có quyền. Hội đồng Bầu cử quốc gia đã cho 15 tỉnh thành làm rồi và có kết quả tốt. “Do vậy, Bắc Ninh và bất cử tỉnh thành nào có nhu cầu thì các đồng chí gửi văn bản riêng mới giải quyết được và nói rõ khu vực nào, địa điểm nào cần bỏ phiếu sớm” – ông Định nói.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng khẳng định với các khu vực có nhu cầu bầu cử sớm thì địa phương cần có văn bản cụ thể và Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ trả lời ngay.
Ông cho rằng ở những nơi phức tạp thì việc bầu sớm 1-2 ngày để đến ngày 23-5 tập trung cho công việc bầu cử chung thì “đó là việc rất tốt và tôi hoàn toàn đồng tình”.