Chiều 10-5, các ứng viên đại biểu HĐND TP.HCM khóa X, đơn vị bầu cử số 17 (TP.HCM) tiếp tục có buổi tiếp xúc với cử tri quận Bình Thạnh.
Cử tri muốn có giải pháp ngăn chặn “fake news”
Tại hội nghị, cử tri Tô Tấn Đạt, phường 6 đã đặt câu hỏi với nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM: Hiện nay có nhiều thông tin không chính thống lan truyền trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông khiến người dân rất bức xúc, không biết đâu là tin giả, đâu là tin thật.
“Với vai trò quản lý một cơ quan báo chí, ông có giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?”- cử tri hỏi.
Cử tri Tô Tấn Đạt đặt câu hỏi với ứng viên Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN
Cử tri Đạt nói thêm, hiện rạch Xuyên Tâm đang là vấn đề nổi cộm của quận Bình Thạnh. Về mặt thông tin báo chí, cử tri muốn biết ứng viên sẽ có tiếng nói như thế nào để đẩy nhanh tiến độ giải quyết dự án để người dân ở địa bàn có thể có môi trường sống tốt hơn.
Cuối cùng, cử tri Đạt bày tỏ băn khoăn: “Nếu trúng cử đại biểu HĐND TP.HCM, việc đầu tiên mà ông sẽ làm là gì?”.
Trả lời câu hỏi của cử tri về vấn đề rạch Xuyên Tâm, nhà báo Nguyễn Đức Hiển thông tin, cách đây 20 năm khi ông mới bước vào nghề báo, ý tưởng về dự án này xuất phát từ một đề xuất của Sở giao thông công chánh, đến bây giờ thì vẫn chưa được triển khai.
Ông cũng thông tin, những ngày vừa qua cũng có nhận được ý kiến của cô bác cử tri liên quan đến rạch Xuyên Tâm, nói rằng dự án quá chậm.
Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng sở dĩ dự án án bị chậm tiến độ là do một số nguyên nhân. Ông phân tích: “Nói đi cũng phải nói lại. Cách đây 20 năm, dự định ban đầu của TP chỉ là cải tạo dòng chảy, nạo vét kênh để cải thiện môi trường kênh rạch. Cái chậm hiện nay là do quy mô của dự án liên tục thay đổi, ban đầu chỉ là nạo vét dòng chảy nhưng bây giờ thì cải tạo cảnh quan, làm đường đi bộ hai bên, mở rộng ra cả ba tuyến rạch và kéo dài 9 cây số”.
Ông cũng nói, trong buổi tiếp xúc cử tri sáng nay, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng đã thông tin lãnh đạo TP đã đi khảo sát và quyết liệt để thực hiện dự án này với số vốn trên 10.000 tỷ đồng. Theo ông, với số vốn như vậy thì cần có ý kiến của Quốc hội chứ không phải chỉ của UBND TP hay HĐND TP.
Ông nhận định, lãnh đạo TP đã tích cực triển khai trên cả ba hướng: vận động chủ trương, tìm nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ để khởi động trong nhiệm kỳ này.
“Với tư cách là một nhà báo, dù trúng cử HĐND TP hay không, tôi nghĩ rằng trách nhiệm của mình là phải ủng hộ lãnh đạo TP thực hiện những dự án, giải quyết vấn đề dân sinh và môi trường cho người dân”- ông cho hay.
Ông cũng thông tin sáng cùng ngày Báo Pháp Luật TP.HCM cũng đã có bài phản ánh và trong các số tiếp theo sẽ tiếp tục đề cập đến nội dung này.
Trước thắc mắc của cử tri về giải pháp ngăn chặn thông tin không chính thống lan truyền trên mạng xã hội, ông cho biết đây là vấn đề không phải của riêng Việt Nam và không phải bây giờ mới xảy ra.
Ông Nguyễn Đức Hiển chia sẻ, thông tin không chính thống, thông tin giả, không đúng sự thật còn có thuật ngữ là “fake news", cùng với sự xuất hiện và phát triển của mạng xã hội trên toàn cầu thì tình trạng này ngày càng trở nên nhiều hơn.
Ông nhìn nhận, sở dĩ có hiện tượng tin giả, tin không chính thống là vì khi tham gia mạng xã hội, người dùng cảm thấy nấp sau lưng đám đông, có thể nhân danh tố cáo, phản ảnh để tự ca ngợi mình mà không sợ bị xử lý. Pháp luật đã có những quy định về vấn đề này, thời gian qua nhiều Facebooker, Blogger đã bị xử lý vì hạ nhục, xúc phạm danh dự của người khác nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để tình trạng này. Trên các phương tiện thông tin, báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có nhiều loạt bài phê phán.
Ứng viên Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM trả lời ý kiến cử tri tại buổi tiếp xúc. Ảnh: NGUYỆT NHI
Với tư cách là một nhà báo, tham gia giảng dạy về lĩnh vực truyền thông tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ông Hiển cũng có nhiều chuyên đề về “fake news” và xác định đấu tranh với thông tin giả là một trong những nhiệm vụ của một nhà báo.
Ông thông tin thêm, ngay trong chương trình hành động của cấp ủy Báo Pháp Luật TP.HCM năm 2021, vấn đề đấu tranh với “fake news” gắn liền với việc thực hiện chỉ thị 05 của Thành ủy TP.HCM; mỗi tháng đều có chuyên đề về nội dung này và Đảng ủy cấp trên đều giám sát.
Ông cho biết sẽ hiến kế cho lãnh đạo UBND TP.HCM những vấn đề liên quan đến việc đấu tranh với thông tin sai trái.
Trước câu hỏi sẽ làm gì khi trở thành đại biểu HĐND TP, ông Hiển chia sẻ: “Trở thành đại biểu của dân là vinh dự, trách nhiệm lớn lao. Khi đó, chúng tôi phải làm việc và làm việc! Không chỉ là lời hứa suông hoặc làm theo cảm hứng mà phải làm theo chương trình, làm một cách khoa học”.
Ông cho biết, việc đầu tiên sẽ bắt tay làm là tìm hiểu, nghiên cứu cụ thể hơn các vấn đề hiện tại của địa phương, góp phần giám sát thực hiện các chương trình đó; đặc biệt ưu tiên các chương trình có tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân như cải tạo nâng cấp hẻm, các dự án về vệ sinh môi trường, các dự án về giáo dục. Bên cạnh đó sẽ lắng nghe người dân để có thể ghi nhận và đóng góp thêm cho sự phát triển của địa phương và TP.
Kỳ vọng nhiều vào Trung tâm Tài chính
Tại hội nghị, cử tri cũng bày tỏ mối quan tâm về tiến độ xây dựng Trung tâm tài chính ở TP.HCM.
Trả lời ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, Trung tâm tài chính TP.HCM là một mong ước của lãnh đạo TP từ nhiều nhiệm kỳ trước cho đến nay.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng trả lời cử tri. Ảnh: NGUYỆT NHI
Bà thông tin, năm 2018-2019, các nhà đầu tư quan tâm đến xây dựng Trung tâm Tài chính ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên các nhà đầu tư chưa quyết định đầu tư.
“Đến nay, trong Văn kiện Đai hội XIII của Đảng đã có nội dung xây dựng TP.HCM là trung tâm tài chính khu vực quốc tế”- bà Thắng nhấn mạnh.
Bà nhìn nhận, việc xây dựng Trung tâm Tài chính là mong ước của cả nước mà TP.HCM được chọn là nơi thực hiện đầu tiên.
“Cách đây một tháng, trên cơ sở nền tảng trước đây, chúng tôi đã thuê các đơn vị tư vấn có văn bản trình Chính phủ chấp thuận với chủ trương để thực hiện các bước tiếp theo. Cách đây 2 tuần, Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản chính thức đồng ý cho TP triển khai thực hiện xây dựng Trung tâm Tài chính. Đó là điều rất vinh dự”- bà nói.
Theo bà, Trung tâm Tài chính không phải chỉ là việc xây dựng một tòa nhà, một dãy nhà gắn với ngành ngân hàng. Nơi đây sẽ là nôi thể hiện các dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài chảy vào TP.HCM, xoay quanh các Trung tâm Tài chính sẽ có nhiều dịch vụ có giá trị mang lại lợi nhuận cho TP.
Bà cũng nói rằng, việc xây dựng Trung tâm Tài chính cũng là một bước thực hiện niềm mơ ước đánh dấu nước ta trên bản đồ Trung tâm Tài chính của thế giới.