Với tỷ lệ 445/ 451 đại biểu có mặt (chiếm 92,13%) tán thành, chiều 19-6, Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Theo đó, ở cấp thành phố, Đà Nẵng cấu trúc chính quyền như các tỉnh thành khác, gồm HĐND và UBND. Còn ở cấp quận và phường chỉ có UBND.
Việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền mới này sẽ bắt đầu từ ngày 1-7-2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.
Bí thư Đà Nẵng, ĐB Trương Quang Nghĩa tham gia biểu quyết Nghị quyết đặc thù cho TP Đà Nẵng. Ảnh: QH
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết một số ý kiến đề nghị cần đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND Đà Nẵng theo hướng tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; làm rõ cơ chế giám sát đối với chính quyền địa phương ở quận, phường và các cơ quan tư pháp trong điều kiện không còn HĐND cùng cấp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến này để thể hiện trong dự thảo Nghị quyết. Theo đó, mỗi Ban của HĐND Đà Nẵng có không quá hai phó trưởng ban hoạt động chuyên trách; trưởng ban của HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Theo ông Tùng, quy định như vậy nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho địa phương trong trường hợp cần bố trí tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại mỗi Ban.
Về cơ chế kiểm soát quyền lực, Nghị quyết được thông qua với việc bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường, TAND và VKSND quận. Các đại biểu HĐND thành phố không chỉ chất vấn Chủ tịch UBND, Chánh án, Viện trưởng cùng cấp, mà cả ở cấp quận. Cũng như vậy, cơ quan dân cử cấp thành phố có quyền lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận...
Về kiến nghị đổi tên UBND quận, phường thành Ủy ban Hành chính, ông Tùng cho hay dù hoạt động của chính quyền hai cấp này có khác biệt cơ bản về địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức và chế độ làm việc nhưng nếu đổi cả tên UBND khi mới thí điểm này thì sẽ dẫn tới yêu cầu cấp, đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức ở địa phương.
Ngoài ra, sẽ phải sửa đổi, điều chỉnh các thông tin có liên quan trong hệ thống dữ liệu chung của quốc gia, gây tốn kém, khó khăn cho người dân và công tác quản lý nhà nước.
Mặt khác, tiền lệ trước đó với Hà Nội, khi Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị cho Thủ đô, các đại biểu đã thống nhất giữ nguyên tên gọi UBND cấp phường.
Vì vậy, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Tùng đề nghị giữ tên gọi là UBND như dự thảo Nghị quyết.
Toàn cảnh phiên biểu quyết Nghị quyết đặc thù cho TP Đà Nẵng. Ảnh: QH
Ngoài các vấn đề nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho rà soát, chỉnh lý và bổ sung các quy định liên quan, như bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch UBND thành phố trong bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện; trong đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND quận, UBND phường.
Một số ý kiến đề nghị cho thí điểm người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND để bảo đảm quyền của người dân trong việc lựa chọn người đứng đầu chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hình thức dân chủ trực tiếp này cần được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, nên chưa thể quy định ngay. Còn cơ chế giám sát quyền lực của Chủ tịch UBND nơi không còn HĐND thì đã có quy định cơ chế HĐND cấp thành phố lấy phiếu tín nhiệm chất vấn Chủ tịch UBND cấp quận, huyện. Ngoài ra, dù không còn tổ chức HĐND cùng cấp thì vẫn duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Ngoài vấn đề tổ chức, bộ máy, để có nguồn lực thúc đẩy Đà Nẵng phát triển, đảm đương vai trò đô thị trung tâm miền Trung, Nghị quyết giao Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách Đà Nẵng.
Thành phố biển được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Ngoài ra, được giữ lại 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Đà Nẵng.