Giải mã ‘bàn cờ’ chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam

Từ ngày 1-1, Việt Nam (VN) chính thức nhận vị trí chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ 2020-2021. Đại sứ - TS Luận Thùy Dương, nhà ngoại giao có nhiều kinh nghiệm và am hiểu sâu sắc về khu vực Đông Nam Á, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM rằng: “Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng VN sẽ hoàn thành xuất sắc vai trò lãnh đạo” mà ASEAN giao phó.

“Gắn kết và chủ động thích ứng”

. Phóng viên: Thưa đại sứ, vì sao VN chọn chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” của Năm chủ tịch ASEAN 2020? 

+ Đại sứ - TS Luận Thùy Dương: Thứ nhất, bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay diễn biến phức tạp, nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức, đang tác động mạnh đến ASEAN và VN.

Về thách thức: Hòa bình, phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo nhưng các vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng hơn. Cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Biển Đông nóng lên khi Trung Quốc gia tăng quân sự hóa và triển khai thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của các nước có tranh chấp ở biển Đông, trong đó có VN.

Về cơ hội: Thành tựu của từng nước thành viên làm cho ASEAN trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công trên thế giới và đóng vai trò quan trọng ở châu Á. Bên cạnh đó, nhờ kinh nghiệm của 52 năm hình thành và phát triển, nay đã hình thành một cộng đồng với ba trụ cột, đã đưa ASEAN trở thành một khối và hợp tác khối đi vào thực chất hơn.

Bối cảnh trên đòi hỏi ASEAN phải đoàn kết hơn. Cả khối cũng như từng thành viên phải nâng cao năng lực, thích ứng với các chuyển biến, đồng thời chủ động ứng phó.

Thứ hai, năm 2020 VN lần thứ hai đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN. Việc này vừa là cơ hội nâng cao uy tín của VN, quảng bá đất nước, con người VN với thế giới, vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của VN. Chủ tịch ASEAN phải có trách nhiệm kế thừa, phát huy những gì ASEAN đã đạt được, hoặc tiếp nối những gì đang triển khai. Hơn nữa, chủ tịch phải thúc đẩy hợp tác nội khối và nâng cao vị thế ASEAN với bên ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: ASEAN

VN đã chuẩn bị rất chu đáo

. Trong quá trình thực hiện trọng trách, VN sẽ gặp những thách thức nào?

+ Thử thách thứ nhất là VN phải phát huy được vai trò trung tâm của ASEAN, có khả năng phối hợp được lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế. Cạnh đó, VN phải thúc đẩy được việc duy trì và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, xây dựng được chuẩn mực ứng xử chung của ASEAN trong quan hệ giữa ASEAN với các nước lớn và các nước đối tác. Cuối cùng, VN phải xây dựng một ASEAN có thể ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

. Và VN đã có những ưu tiên, giải pháp nào để vượt qua khó khăn?

+ VN đã nêu ưu tiên tạo dựng năm chất keo kết dính cần thiết cho ASEAN: (i) Đoàn kết, thống nhất và tương trợ nhau; (ii) tăng cường các điểm tương đồng về lợi ích kinh tế; (iii) nâng cao giá trị chung bằng việc đề cao hình ảnh ASEAN, công dân ASEAN; (iv) tăng cường các quan hệ đối tác; và (v) nâng cao năng lực và hiệu quả của thể chế.

. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ ưu tiên, VN đã có những biện pháp cụ thể?

+ Thứ nhất, VN có đề án tổng thể chi tiết cho các hoạt động. Cạnh đó, chúng ta rất nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức của mình gồm ban thư ký và các tiểu ban chuyên môn, có sự tham gia của rất nhiều bộ, ngành, địa phương. Thứ ba, VN đã tham khảo ý kiến giới chuyên gia, nghiên cứu, giới hoạch định chính sách trong và ngoài nước về các sáng kiến thúc đẩy bản sắc, vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực cũng như nhiều nội dung khác. Cuối cùng, chúng ta phát huy các kinh nghiệm đã có khi là chủ tịch ASEAN năm 2010 và đã đăng cai nhiều sự kiện quốc tế trọng đại.

Đại sứ Luận Thùy Dương. Ảnh: Dangcongsan.vn

. Như vậy, cho đến lúc này người dân VN và khu vực có thể an tâm về một năm chủ tịch ASEAN thành công?

+ Hoàn toàn có thể tin tưởng rằng VN sẽ hoàn thành xuất sắc vai trò lãnh đạo ASEAN đoàn kết, thống nhất, tự tin, hội nhập sâu rộng và đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Song song đó, VN sẽ thúc đẩy được ASEAN có những bước đi tích cực, giải quyết được các vấn đề của khối.

Không những thế, VN sẽ có đóng góp tích cực, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, duy trì được quan hệ tốt hơn với các nước láng giềng trong khu vực; tăng cường được quan hệ với các nước lớn, đồng thời có điều kiện nâng cao vị thế của VN và tạo thêm cơ hội phát triển cho VN.

. Xin cảm ơn Đại sứ ./.

Ưu tiên biển Đông và COC

. Vấn đề biển Đông và Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) tới đây sẽ như thế nào khi VN làm Chủ tịch ASEAN?

+ Vấn đề này là một trong những chương trình nghị sự được ưu tiên. VN sẽ đẩy nhanh nhất có thể với tiến trình COC. Tuy nhiên, các ưu tiên, lợi ích của các bên vẫn còn sự khác biệt, do vậy có những phức tạp nhất định và cần thời gian. Là Chủ tịch ASEAN, VN sẽ đóng góp đẩy nhanh tiến trình đàm phán, cả việc dành thêm thời gian cho việc đàm phán và cách thức phù hợp để đẩy nhanh tiến trình đàm phán hiệu quả hơn, đạt chất lượng cao hơn trong năm 2020. VN sẽ phối hợp rất chặt chẽ với Philippines, điều phối viên quan hệ ASEAN - Trung Quốc và là nước chủ trì đàm phán với Trung Quốc về COC, để đẩy nhanh tiến trình đàm phán trong năm 2020. Hy vọng sẽ hoàn tất vòng đàm phán thứ 2 trong năm 2020.

VN không chỉ đưa đưa vấn đề biển Đông ra các diễn đàn ASEAN mà có thể cả tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) khi đảm nhiệm “vai trò kép” Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không Thường trực HĐBA LHQ.

Có 5 nội dung về biển Đông mà dư luận quan tâm: (1) Hòa bình - ổn định; (2) Tự do, an toàn hàng không, hàng hải; (3) Tuân thủ pháp luật và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng COC; (4) Tình hình trên thực địa xảy ra như thế nào; và (5) Tình hình hoạt động của ngư dân (cả việc đánh cá của ngư dân và công tác bảo hộ dành cho ngư dân).

Thời gian tới, tất cả 5 nội dung này, sẽ được phản ánh trên bàn hội nghị, cả ASEAN và có thể ở cả HĐBA LHQ.

Vị thế đặc biệt của Việt Nam năm 2020
Vị thế đặc biệt của Việt Nam năm 2020
(PL)- Lần thứ hai được tín nhiệm vào vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đang đứng trước vận hội mới với không ít thử thách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm