Ngày 2-1-2020, Việt Nam (VN) cùng bốn nước Estonia, Niger, Saint Vincent và Grenadines, Tuni đã chính thức thực hiện lễ đặt cờ tại phòng họp Hội đồng Bảo an (HĐBA), bắt đầu một nhiệm kỳ ủy viên không thường trực của HĐBA Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Từ TP New York (Mỹ), Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực VN tại LHQ, đã trả lời phỏng vấn Pháp Luật TP.HCM về sứ mệnh đặc biệt quan trọng này.
Nhiệm vụ quan trọng ngay từ tháng 1-2020
. Phóng viên: Thưa đại sứ, nhiệm vụ của VN tại HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 quan trọng đến mức nào?
+ Đại sứ Đặng Đình Quý: Là một trong sáu cơ quan chính của LHQ, HĐBA được các quốc gia thành viên trao trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Theo thống kê, năm 2019 HĐBA đã tổ chức 258 cuộc họp chính thức và 137 cuộc tham vấn; ban hành 52 nghị quyết, 15 tuyên bố chủ tịch và 67 tuyên bố báo chí để thực hiện nhiệm vụ trên.
Dự kiến năm 2020, ít nhất khối lượng công việc cũng giống vậy. Ngay tháng 1-2020, tháng đầu tiên là thành viên không thường trực HĐBA LHQ, VN đã đảm nhận nhiệm vụ chủ tịch HĐBA. Theo đó, VN đã xây dựng, tham vấn chặt chẽ và được các nước nhất trí thông qua chương trình làm việc cho tháng.
VN đang và sẽ điều hành tất cả cuộc họp của HĐBA trong tháng và xử lý các đề nghị phát sinh của các nước. Về thủ tục, VN chúng ta cần bảo đảm các hoạt động tuân thủ đúng theo quy định, thông lệ của HĐBA.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực VN tại LHQ
. VN đảm nhiệm vị trí quan trọng, chủ tịch HĐBA, trong bối cảnh thế giới hiện nay có những ý nghĩa như thế nào, thưa đại sứ?
+ Có thể nói thời điểm VN đảm nhận vị trí chủ tịch HĐBA có ý nghĩa rất đặc biệt. Đây là tháng đầu tiên kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, cũng là 75 năm ký Hiến chương LHQ. Theo đó, bên cạnh việc điều phối sao cho HĐBA giải quyết kịp thời các thách thức đối với hòa bình, an ninh thế giới, chúng ta đã đề xuất và nhận được sự tán thành cao của tất cả các nước thành viên HĐBA về định hướng nêu cao vai trò của Hiến chương LHQ, thúc đẩy sự hợp tác giữa LHQ và ASEAN trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.
Đó cũng là những định hướng thiết thực chủ nghĩa đa phương, củng cố, phát huy vai trò của hệ thống đa phương và ngoại giao đa phương vì một thế giới hòa bình, công bằng và tốt đẹp hơn. Đồng thời VN cũng mong muốn tăng cường hiệu quả hợp tác và quan hệ đối tác toàn diện giữa ASEAN - LHQ, vì lợi ích chung của các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế.
Đồ họa: HOÀNG QUYÊN
32 cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc trở về nước sau một năm làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, tối 29-11. Ảnh: VÂN THẢO
Tiếp nối thành công thập niên trước
. Đây là lần thứ hai VN trở thành thành viên không thường trực HĐBA LHQ. Xin ông đánh giá kết quả và ý nghĩa của nhiệm kỳ lần trước đối với lần này?
+ Chúng ta đã có một nhiệm kỳ thành viên không thường trực HĐBA giai đoạn 2008-2009 rất thành công. Nổi bật là việc triển khai hiệu quả những chính sách đối ngoại yêu chuộng hòa bình, đóng góp tích cực trong giải quyết xung đột, khủng hoảng trên thế giới, thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế, các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản.
Những nỗ lực nói trên của VN đã đóng góp cho hòa bình, an ninh thế giới, đồng thời góp phần bảo đảm môi trường thuận lợi cho công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Những bài học và kinh nghiệm này sẽ tiếp tục là vốn quý cho nhiệm kỳ thành viên lần này của VN.
. Ở nhiệm kỳ năm nay, xin ông chia sẻ về thách thức mới mà VN đối diện? Và thách thức đó đặt ra những yêu cầu gì với VN để hoàn thành nhiệm vụ?
+ Giai đoạn 2020-2021 có nhiều thách thức mới. So với 10 năm trước đây, công việc của HĐBA nhiều hơn, phức tạp hơn nhưng mức độ đoàn kết, chia sẻ giữa các nước thành viên lại giảm đi. Bất đồng giữa các nước thành viên trong HĐBA gia tăng, số nghị quyết đạt đồng thuận giảm, các nghị quyết bị phủ quyết và không thông qua tăng lên. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là các điểm nóng ở Trung Đông, bán đảo Triều Tiên và châu Phi.
Bối cảnh đó đòi hỏi VN một mặt phải kiên trì giữ vững các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương LHQ. Mặt khác, chúng ta phải linh hoạt và xử lý khéo léo mối quan hệ với các nước để đóng góp xây dựng cho duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và bảo đảm được các lợi ích quốc gia, dân tộc.
. Xin cám ơn đại sứ.
Vai trò to lớn của HĐBA LHQ HĐBA là cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên nhất tại LHQ. HĐBA không phục tùng Đại hội đồng LHQ, có thể tự ra các nghị quyết về các vấn đề được quy định và các nghị quyết của HĐBA có giá trị bắt buộc các nước thành viên phải phục tùng và thực thi. HĐBA có thể tiến hành điều tra bất cứ tranh chấp nào hoặc bất cứ tình thế nào có thể dẫn tới những xung đột quốc tế hoặc đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế, đồng thời có thể đưa ra những nghị quyết kiến nghị về các phương thức cũng như nội dung cụ thể để giải quyết những xung đột đó. Một số quyền tiêu biểu của thành viên không thường trực là quyền thay nhau làm chủ tịch hội đồng và quyền đề xuất, thảo luận, bỏ phiếu thông qua nghị quyết của HĐBA. Theo quy định, các nghị quyết của HĐBA cần phải được chín thành viên bỏ phiếu thông qua. Do vậy, ngoài năm thành viên thường trực, nếu ít nhất bảy thành viên không thường trực bỏ phiếu không thông qua nghị quyết này thì nghị quyết cũng không thể được thông qua. |
Việt Nam trong trái tim bạn bè quốc tế Mấy chục năm qua, cùng với sự vươn lên của toàn dân tộc, vị thế của đất nước chúng ta ở khu vực và thế giới ngày càng được nâng cao, VN ngày càng được trân trọng trong trái tim của bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, chúng ta đã nhận được tuyệt đại đa số sự ủng hộ của 193 nước khi ứng cử vào HĐBA lần này. Sự tin cậy mà bạn bè quốc tế đã dành cho VN là tài sản quý mà tất cả chúng ta cần trân trọng và giữ gìn. Theo đó, ở cương vị của mình, chúng tôi xác định luôn thực hiện nhất quán, xuyên suốt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, tuân thủ và đề cao luật pháp quốc tế cũng như đảm nhiệm có trách nhiệm những nghĩa vụ quốc tế. Đại sứ ĐẶNG ĐÌNH QUÝ, Trưởng phái đoàn đại diện |