Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: Khơi dậy khát vọng hùng cường

“Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được tổ chức sau 75 năm kể từ hội nghị lần thứ nhất nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc” - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Xuyên suốt là phát triển văn hóa, con người Việt Nam

. Phóng viên: Ngày 24-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, 75 năm sau, Ban bí thư chủ trì tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc có ý nghĩa như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: TRẦN HUẤN

+ Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Năm 2021 là năm đất nước có rất nhiều sự kiện chính trị quan trọng như: Năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, hoạch định đường lối phát triển của cách mạng Việt Nam đến năm 2030 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng...

Năm 2021 cũng đánh dấu 35 năm công cuộc đổi mới đất nước, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế có những biến động, khó khăn và thuận lợi đan xen, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Đặc biệt hơn nữa, năm 2021, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân sẽ kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất, ngày 24-11-1946.

. Nội dung chính của hội nghị hôm nay sẽ đề cập đến vấn đề gì, thưa Bộ trưởng?

+ Nội dung trọng tâm, xuyên suốt của hội nghị là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa. Bên cạnh đó, dựa trên đường lối của Đảng, tinh thần của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề văn hóa, nhìn lại một cách sâu sắc hơn qua 35 năm đổi mới, rút ra những bài học kinh nghiệm để có một nhận thức, hành động đúng.

Từ nhận thức có tính chất hệ thống, dưới góc độ văn hóa, yêu cầu đặt ra là phải xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trên trục xuyên suốt là phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm chính là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Đó chính là yêu cầu cũng như nội dung của hội nghị lần này.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu tham quan triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: TTXVN

Văn hóa phải kích thích sự sáng tạo của con người

Ngày 24-11-1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất chính thức khai mạc tại Nhà hát Lớn, TP Hà Nội và chúng ta đang lấy cảm hứng cho hội nghị hôm nay là phát biểu của Bác Hồ năm 1946.

Chúng ta phải nhận thức ba vấn đề. Thứ nhất, mục tiêu văn hóa là mang lại hạnh phúc cho người dân. Thứ hai, chúng ta có di sản truyền thống của một đất nước phương Đông, rồi chúng ta tiếp cận với các nước phương Tây, kể cả trong thời kỳ thuộc địa, vậy thái độ của chúng ta ứng xử như thế nào và văn hóa phải gắn với chính trị.

Thời điểm cách đây 75 năm mới xây dựng chính quyền mới, một thể chế chính trị mới, những vấn đề đặt ra là chống tham nhũng, xa xỉ, chống lười biếng… rất gần với chúng ta hiện nay, đó là vấn đề muôn thuở.

Bác Hồ cũng nói đến việc phải đặt ngang bằng giữa văn hóa - kinh tế - chính trị và quan trọng là phải quan tâm đến thế hệ trẻ, phải mang lại những sản phẩm văn hóa cho thế hệ trẻ vì họ là yếu tố tương lai, kế thừa và phát triển văn hóa dân tộc.

Sau 75 năm, chúng ta có những thay đổi rất lớn về hạ tầng, vấn đề là làm thế nào để kích thích sự sáng tạo của con người, tôi cho đó là quan trọng nhất của văn hóa.

Hội nghị này phải làm được việc tìm ra phương thức phát huy được sự sáng tạo và phát huy sáng tạo cũng chính là phát huy dân chủ trong văn hóa nghệ thuật...

            Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC 

Nền văn hóa biết tiếp thu các tinh hoa văn hóa

. Ở cương vị của người đứng đầu Bộ VH-TT&DL, Bộ trưởng có kỳ vọng gì ở hội nghị lần này?

+ Phải khẳng định rằng các nhà văn hóa, đội ngũ thực hành văn hóa, văn nghệ sĩ, những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng, các thế hệ lãnh đạo, nói rộng ra là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đều mong muốn sau hội nghị lần này, chúng ta sẽ có nhận thức đúng đắn hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về quan điểm, đường lối của Đảng ta về văn hóa.

Chỉ khi nhận thức đầy đủ, có hệ thống, nâng tầm nhận thức thì chúng ta mới có điều kiện thực hành văn hóa đúng đường lối, quan điểm của Đảng, có như vậy mới không đi chệch hướng, phát huy được đầy đủ các nội hàm xây dựng nền văn hóa mà chúng ta đang hướng đến, đó là tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Đó chính là nền văn hóa biết tiếp thu các tinh hoa văn hóa của nhân loại trong quá trình tiếp biến, chủ động khắc phục những tác động của văn hóa ngoại lai, ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình hội nhập.

. Với kỳ vọng trên, sau khi hội nghị diễn ra, theo Bộ trưởng, chúng ta cần thực hiện những gì để chuyển hóa điều đó thành thực tế?

+ Sau hội nghị, chúng ta phải xác lập để xây dựng hệ sinh thái văn hóa mà bao trùm xuyên suốt là xây dựng cho được một môi trường văn hóa, tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực và ưu tiên vấn đề văn hóa doanh nghiệp và doanh nhân.

Khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta coi doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế. Vậy phải xây dựng môi trường văn hóa ở lĩnh vực này như thế nào để đảm bảo hàm lượng văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa?

Như chúng ta đã biết, văn hóa dân tộc ta bắt đầu từ cơ sở, được hình thành, hun đúc từ lịch sử hàng ngàn năm nay của dân tộc, chúng ta phải biết trân trọng và phát huy giá trị đó. Phải làm thực chất hơn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, từ khu dân cư, các cơ quan, đơn vị, để đó thực sự là môi trường văn hóa lành mạnh, giàu tính nhân văn.

Đặc biệt, sau hội nghị, chúng ta phải tập trung thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra. Đó là con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, sáng tạo và có khát vọng xây dựng đất nước.

Nhưng cũng không thể xây dựng theo hướng chỉ có một số giải pháp cụ thể mà phải đặt con người trong tổng thể, vừa là nhân vật trung tâm vừa là chủ thể xây dựng văn hóa. Ngược lại, văn hóa hình thành nên phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, con người của thời đại hội nhập, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Đây chính là những điều đáng kỳ vọng sau hội nghị này.

. Xin cám ơn Bộ trưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm