Thanh tra tỉnh Kiên Giang vừa có báo cáo việc tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra số 602 của Thanh tra Chính phủ về các sai phạm đất đai.
Theo đó, các đơn vị đã thực hiện gần hết các kiến nghị và đang tiếp tục thực hiện các vấn đề còn lại.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan xem xét thu hồi đất các dự án đầu tư chậm tiến độ nhiều năm. Ảnh: Báo Thanh tra
Cụ thể, ngay sau khi nhận được Kết luận của Thanh tra Chính phủ về những vi phạm trong quản lý nhà nước về đất đai tại Kiên Giang, Chủ tịch UBND tỉnh này đã ban hành Kế hoạch cho 24 đơn vị liên quan gồm 11 sở và 13 huyện, thành phố thực hiện.
Tính đến cuối tháng 7-2020, đã có 10 đơn vị thực hiện xong về chủ trương và 23 thực hiện xong về hành chính – tổ chức.
Cụ thể, tỉnh đã thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản mỏ than bùn Kênh 86B của công ty TNHH MTV 622 và mỏ than bùn Lâm trường Hòn Đất của công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Kiên Giang; chấm dứt Giấy phép thăm dò khoáng sản mỏ đá vôi ở núi Cà Đa và núi Nhà Vô của công ty TNHH Hữu Dương.
Đối với công trình khách sạn Mường Thanh Phú Quốc của công ty CP Đầu tư và Phát triển Phú Quốc, chủ đầu tư đã nộp 40 triệu đồng tiền xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng. Đồng thời, đơn vị này cũng tiến hành tháo dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng (tầng 11).
UBND huyện Phú Quốc cũng đã chỉ đạo các phòng chức năng kiểm tra các công trình trái phép, vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Qua đó, phát hiện 308 vụ vi phạm với tổng diện tích hơn 1,1 triệu m2, từ đó, UBND huyện ban hành 143 Quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu tháo dỡ 140 trường hợp vi phạm.
Do buông lỏng quản lý nên tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp diễn ra tràn lan ở huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: NH
Cũng theo kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, có 23 đơn vị phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến sai phạm đất đai. Theo đó, giai đoạn 2-11-2017 có hai Chủ tịch, sáu Phó Chủ tịch UBND tỉnh và sáu thành viên UBND tỉnh bị kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Riêng huyện Phú Quốc có 21 cá nhân bị kiểm điểm rút kinh nghiêm.
Báo cáo của Thanh tra tỉnh Kiên Giang cũng cho thấy đối với số tiền nợ đọng thuế tài nguyên hơn 2,6 tỉ đồng, có hơn 411 triệu không thể thu hồi do có hai doanh nghiệp đã phá sản. Đối với số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 24 tỉ, cơ quan chức năng đã thu hồi được hơn 23 tỉ.
Như PLO đã thông tin, tháng 5-2020, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011-2017.
Theo đó, từ tháng 1-2016 đến tháng 6-2017, Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang cho phép tách hơn 17.000 thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ (dưới 500 m2) trên địa bàn huyện Phú Quốc. Việc làm này dẫn tới tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.
Từ năm 2016 đến tháng 6-2018, UBND huyện Phú Quốc và UBND các xã, thị trấn trực thuộc đã buông lỏng quản lý về đất đai, về trật tự xây dựng đô thị. Việc này khiến nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ để chuyển nhượng.
Kết luận thanh tra cũng xác định Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc và Vườn Quốc gia Phú Quốc buông lỏng quản lý, dẫn tới tình trạng lấn chiếm đất rừng diễn ra trong một thời gian dài. Một số hộ dân được cấp giấy chứng nhận chồng lấn với diện tích đã cấp giấy cho Vườn Quốc gia Phú Quốc.
Từ các sai phạm được phát hiện, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất đối với 43 dự án đầu tư chậm tiến độ nhiều năm...