Phó Thủ tướng: Khắc phục hậu quả, nghiên cứu thời tiết dị thường ở Miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 1-4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương về tình hình thiên tai tại các tỉnh miền Trung và các biện pháp khắc phục.

Tại cuộc họp, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đây là đợt thiên tai trái mùa đặc biệt. Tổng thiệt hại ban đầu do thiên tai tại tỉnh này ước tính khoảng 171 tỉ đồng.

Theo ông Thế, bình thường khi có bão, lồng bè đưa xuống độ sâu 10-15 m nước thì vẫn an toàn, nhưng trong đợt này, lồng bè của người dân đưa xuống độ sâu hơn 10 m nước nhưng vẫn bị xoáy, có nhiều lồng bị đánh bật lên bờ.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp khẩn về tình hình thiên tai tại các tỉnh miền Trung và các biện pháp khắc phục. Ảnh: PCTT

"Dòng chảy ngầm có sức phá hoại lớn hơn cả các cơn bão mà Phú Yên từng gặp phải. Thậm chí có cơn bão cấp 10, 11 hay hơn, nhưng cũng không có thiệt hại lớn như thế này đối với nuôi trồng hải sản" - lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho biết theo kinh nghiệm dân gian, khoảng 60 năm thì thiên tai lớn như này xuất hiện trở lại. Do đó ông Bửu đề xuất Trung ương tổ chức đoàn công tác tới địa phương để kiểm tra, khảo sát kỹ càng và có biện pháp ứng phó phù hợp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng cho rằng, đây là hiện tượng lạ. Mặc dù có những năm bão rất lớn, bà con vẫn vào neo đậu bình thường nhưng năm nay, gió mới cấp 7, cấp 8, nhưng có xoáy lốc, làm chìm nhiều tàu thuyền. Riêng Bình Định có 55 phương tiện đánh bắt thủy sản bị chìm.

"Chúng tôi đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu hiện tượng thời tiết này để dự báo, khuyến cáo, hỗ trợ cho các địa phương cảnh báo cho người dân" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiến nghị.

Tàu cá bị sóng đánh hỏng, dạt vào bờ ở Phú Yên. Ảnh: PLO

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, các ý kiến đều đánh giá diễn biến thời tiết rất bất thường. Mưa lớn trái mùa gây ra nhiều thiệt hại, ở diện rộng. Phó Thủ tướng yêu cầu huy động toàn bộ lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.

Khẩn trương tiêu nước, nước rút đến đâu thu hoạch lúa đến đấy. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương ứng trực thường xuyên, bảo đảm vận hành an toàn, linh hoạt, hiệu quả các hồ đập. Đây là cơ hội tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện, nhưng Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh nguyên tắc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ đập. Các địa phương không được chủ quan, bám sát các dự báo, chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo để triển khai tiếp các giải pháp.

Trước tình hình thời tiết bất thường này, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá tổng thể.

Phó Thủ tướng nhất trí thành lập các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đến hai tỉnh có thiệt hại lớn nhất để trực tiếp nắm tình hình, hỗ trợ các địa phương và đề xuất thêm các giải pháp.

Miền Trung và Tây Nguyên vẫn tiếp tục có mưa lớn

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, dự báo từ ngày 1-4 đến ngày 2-4, ở khu vực Trung bộ và Tây Nguyên tiếp tục có mưa lớn.

Trong đó từ Hà Tĩnh - Quảng Ngãi mưa phổ biến từ 150-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt; trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm