Sau 30-9, người dân TP.HCM ra đường cần khai báo trên app nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 30-9, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoà Bình đã công bố Chỉ thị của UBND TP ban hành về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP, sau ngày 30-9.

kiem-soat-luu-thong-30-9

TP.HCM sẽ bỏ các chốt kiểm soát nội đô nhưng vẫn kiểm tra việc ra đường thông qua app VNEID và Y tế HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo Chỉ thị, TP.HCM yêu cầu người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vaccine, đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động.

Trường hợp người dân không có mã QR thì xuất trình hai loại giấy tờ: một là giấy chứng nhận là F0 đã khỏi bệnh 180 ngày; hai là giấy xác nhận đã tiêm chủng (ít nhất một mũi đối với loại vaccine tiêm hai mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Về việc này, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP, cho biết hiện nay người dân đang dùng app Y tế HCM để khai báo y tế khi đi giao dịch tại các cơ quan, địa điểm trên địa bàn TP. Trong ứng dụng này cũng có lịch sử tiêm chủng đối với những người đã tiêm vaccine hoặc có thông tin về những F0 đã khỏi bệnh. Từ đó xác định những người này đủ điều kiện tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP.

app-pc-covid

Khi app PC COVID chính thức đi vào hoạt động thì người dân TP.HCM sẽ chỉ dùng app này. Ảnh: LÊ THOA

Tuy nhiên, TP sẽ chuyển sang dùng chung một ứng dụng duy nhất là PC COVID khi ứng dụng này chính thức đi vào hoạt động. Hiện TP.HCM đã có lộ trình chuyển hết thông tin của những người sử dụng app Y tế HCM vào PC COVID, chỉ cần khi người dân cài ứng dụng PC COVID thì khai đúng số điện thoại, thông tin cá nhân đã được khai trước đó.

Còn ứng dụng Y tế HCM sẽ trở thành một tiện ích của PC COVID với một số chức năng theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà, cách thức liên lạc với các F0….

Bà Trinh cho biết hiện TP có 1,5 triệu người sử dụng app Y tế HCM với hơn 27.000 đơn vị triển khai app này tại các điểm giao dịch. Qua đó, TP có khoảng 52 triệu tờ khai y tế. Bà Trinh nhìn nhận đây là dữ liệu rất lớn, quan trọng, Sở TT&TT TP sẽ tạo kho dữ liệu lớn để tích hợp toàn bộ cơ sở dữ liệu liên quan công tác phòng, chống dịch.

Liên quan đến việc cấp mã QR cho các cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn TP tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn., bà Trinh cho biết địa chỉ này được hoạt động từ trưa nay (30-9).

Theo đó, các đơn vị sẽ đăng ký trực tuyến để lấy mã QR, sau đó đến 15-10 thì đồng loạt dán mã QR này ở các trụ sở để kiểm tra thông tin của những người đến liên hệ công tác. Từ đó, giúp chính quyền giám sát yếu tố dịch tễ của người dân, xem những người này có đủ điều kiện tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh không.

Bên cạnh app Y tế HCM thì Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cũng cho biết trong khi chờ app PC COVID chính thức hoạt động thì người dân vẫn khai báo di chuyển bằng app VNEID. 

Dù TP sẽ bỏ các chốt chặn nội đô nhưng Công an TP đã có phương án thành lập các tổ kiểm soát đột xuất nhằm kiểm tra việc khai báo y tế trên app VNIED, Y tế HCM cho đến khi thống nhất dùng chung app PC COVID.

Ngoài ra người dân cũng cần thêm hai loại giấy tờ gồm giấy chứng nhận tiêm chủng ít nhất 1 mũi trên 14 ngày, chứng nhận F0 khỏi bệnh 180 ngày.

TP.HCM đã có lộ trình giảm bệnh viện dã chiến

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP đã có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em dưới 18 tuổi khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vaccine phù hợp.

Hiện ngành y tế cũng đã có lộ trình giảm dần các bệnh viện (BV) dã chiến trong tình hình mới, tuỳ theo tình hình bệnh nhân. Trong đó, ưu tiên chuyển các BV quận, huyện trở thành nơi điều trị bệnh những bệnh nhân không phải COVID-19; còn BV dã chiến mượn trường học sẽ có lộ trình dẹp dần, tập trung lại ở những khu cách ly ở TP.

Mở lại chợ truyền thống an toàn

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết Sở đã làm việc với các quận, huyện để xây dựng phương án mở lại chợ truyền thống và đưa chợ hoạt động an toàn.

Hiện nay, một số chợ ở huyện Cần Giờ, Củ Chi đã từng bước hoạt động trở lại. Các quận, huyện đang có phương án, kế hoạch mở lại các chợ truyền thống.

Về việc này, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình khẳng định các phường, xã, thị trấn, quận, huyện phải đánh giá cụ thể và từ đó cho phép mở lại các chợ truyền thống. Riêng chợ tự phát thì nghiêm cấm mở lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm