'Thông qua 'cò' là có hồ sơ thương binh giả'

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) trong phát biểu về kinh tế-xã hội, sáng 27-10, đã cảnh báo vấn đề trục lợi chính sách mà Chính phủ chưa đề cập trong báo cáo. Đại biểu tỉnh Bắc Kạn lấy ví dụ về tình trạng làm hồ sơ thương binh giả làm ví dụ cho vấn đề mình nêu.

“Những vụ việc làm hồ sơ thương binh giả như ở Nghệ An cho thấy việc làm hồ sơ thương binh giả rất dễ dàng. Chỉ cần thông qua “cò" là có thể làm được”.

ĐB Nguyễn Thị Thủy đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân và ngăn chặn việc trục lợi chính sách từ việc làm hồ sơ thương binh giả

Hàng loạt câu hỏi được ĐB Thủy đặt ra, như bản thân các đối tượng có thể tự làm giả hồ sơ thương binh được không? Làm hồ sơ thương binh trải qua một quy trình chặt chẽ sao vẫn lọt? Liệu có sự câu kết giữa các đối tượng này và các cán bộ làm chính sách hay không? “Những vấn đề này cần phải làm rõ”, ĐB Thủy đề nghị.

Theo ĐB Thủy, qua việc xử lý các vụ án liên quan đến việc làm hồ sơ thương binh giả vừa qua cho thấy có sự câu kết, có nhiều biểu hiện như cấp “khống” chế độ thương tật, tăng mức độ thương tật cho các đối tượng. “Cán bộ vi phạm không nhiều và được xử lý. Nhưng chúng ta vẫn phải suy nghĩ vì chúng ta đang làm việc rất có ý nghĩa, rất thiêng liêng với những người đi trước đã ngã xuống”.

Từ tình trạng trục lợi trong chính sách thương binh, ĐB Thủy nêu ra các vấn đề. “Tại sao các vi phạm nghiêm trọng xảy ra trong thời gian dài với quy mô lớn mà cơ sở không phát hiện ra? Tại sao khi thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và và Bộ Quốc phòng vào cuộc mới phát hiện ra? Ngoài lý do là việc làm giả hồ sơ rất “tinh vi” cử tri đặt câu hỏi có phải vì sợ ảnh hưởng tới địa phương mà cơ sở không xử lý?”, ĐB Thủy nói và cảnh báo việc này sẽ gây ra các khó khăn cho thu hồi các chế độ đã cấp phát trước đó.

Một vấn đề khác ĐB Thủy nêu là bảo vệ những người tố cáo.

Theo bà, quá trình xử lý vấn đề hồ sơ thương binh giả đã gây ra khó khăn cho những người tố cáo. “Có người bị đe dọa, rơi vào thế cô độc với người xung quanh vì những thương binh giả đều là người cùng làng cùng xóm”. ĐB Thủy đề nghị các ngành liên quan dựa vào dân, khuyến khích và có biện pháp bảo vệ người tố cáo.

Bày tỏ quan điểm rằng những cán bộ đã câu kết với các đối tượng làm hồ sơ thương binh giả là đáng trách, vị ĐBQH đề nghị Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng cần tổng hợp các nguyên nhân chủ quan và khách quan để ngăn chặn “trục lợi chính sách” trong vấn đề hồ sơ thương binh giả.

“Nếu là nguyên nhân khách quan thì cần phải tổng hợp, phổ biến rộng để có phương cách phòng ngừa. Nếu là nguyên nhân chủ quan thì phải xử lý những cán bộ đã câu kết, tiếp tay”, ĐB Thủy kết thúc bài phát biểu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm