Chị A có thâm niên làm thư ký đã hơn bảy năm tại một tòa cấp huyện ở TP.HCM. Nhà ở quận 12 nên 7 giờ sáng, sau khi đưa con đến trường, chị vượt dòng người ken đặc ở đường Cộng Hòa để đến cơ quan cho kịp giờ làm việc lúc 7 giờ 30. Ở đó, một núi công việc đang chờ chị.
Núi việc của thư ký tòa án
Chị A cho biết hiện nay chị đang làm thư ký cho hai thẩm phán. Dù là án hành chính, dân sự, lao động hay hình sự thì chị đều có thể xử lý các công việc liên quan.
Ngoài việc làm thư ký phiên tòa, chị còn tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định của luật tố tụng; thực hiện nhiệm vụ hành chính, tư pháp và nhiệm vụ khác theo sự phân công của chánh án.
Dù là án hành chính, dân sự, lao động hay hình sự thì một thư ký tòa đều có thể xử lý các công việc liên quan. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Cụ thể, chị phải nhập số liệu, xác minh, tống đạt, xem xét thẩm định, đo vẽ, định giá, hòa giải, ngồi phiên tòa, hoàn thiện biên bản, lưu hồ sơ, chuyển kháng cáo, chuyển hồ sơ hay tiếp đương sự...
Khi làm thư ký giải quyết vụ án hình sự thì ngoài việc phôtô hồ sơ tài liệu, chị còn phải đến trực tiếp trại giam tống đạt các quyết định của tòa cho bị cáo. Khổ nhất là khi vụ án có các bị cáo bị giam giữ ở trại giam tại các tỉnh, thành khác nhau, hoặc các trại giam của Bộ Công an.
Rất nhiều lần chị ở ngoài đường cả ngày để xác minh, tống đạt liên tục. Vụ án có nhiều đương sự, ở rải rác khắp TP, không phải ai cũng chịu đến tòa. Nếu họ không hợp tác thì chị phải đi làm thủ tục khắp TP. Chị phải gặp trưởng khu phố nhờ đi cùng và để xin chữ ký, vì nếu không có khu phố đi cùng thì lên ủy ban không ký. Bữa nào không gặp được khu phố thì coi như chị đi không công vì khu phố không phải là cơ quan nhà nước, họ còn việc của họ.
Ngày nào không ngồi phiên tòa, không đi tống đạt thì chị phụ đánh biên bản hòa giải, dò án văn trước khi phát hành, rồi giao án văn cho VKS, gửi thư cho những đương sự hợp tác, hoàn thiện đánh bút lục, lập bảng kê bút lục, kiểm tra hồ sơ trước khi lưu kho. Quay cuồng với công việc, khi ngẩng lên thì nắng đã tắt tự lúc nào. Lòng người mẹ bất chợt lo lắng không biết tan học, con mình đã được đón về hay chưa.
Tình trạng ở các tòa án quận, huyện, một thư ký tiến hành tố tụng cho nhiều thẩm phán như chị A diễn ra phổ biến. Nhiều thư ký làm việc tại các tòa án ở TP.HCM cho biết TAND TP.HCM còn có văn phòng thừa phát lại hỗ trợ nhưng ở cấp quận, huyện thì không đủ kinh phí thuê thừa phát lại nên thư ký “cân” hết các việc.
Gồng mình giải quyết án
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về kỳ vọng năm 2023, nhiều lãnh đạo tòa mong rằng sẽ được bổ sung biên chế thư ký tòa, bởi lẽ “thư ký nhìn đâu cũng thấy thiếu”. Thiếu thư ký cũng là vấn đề mà lãnh đạo TAND Tối cao đang rất quan tâm và đặt ra các giải pháp nhằm khắc phục.
Tại kỳ họp HĐND TP.HCM ngày 7-12-2022, ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM, báo cáo hiện TAND hai cấp TP.HCM còn thiếu 174 biên chế, trong đó tình trạng phân bổ thư ký gặp nhiều khó khăn.
Ông Phong cho biết việc thiếu thư ký đã ảnh hưởng tới công tác xét xử, hòa giải… Đã vậy, năm 2022, 26 trường hợp công chức xin nghỉ việc, đã giải quyết nghỉ 20 trường hợp. Điều này dẫn đến tình trạng thư ký vốn đã thiếu nay càng thiếu hơn. Nhiều nơi, một thư ký giúp việc cho 3-5 thẩm phán. Nguyên nhân thư ký nghỉ việc vì áp lực công việc, thu nhập chưa đảm bảo và những lý do riêng.
Theo báo cáo, năm 2022, TAND hai cấp đã thụ lý hơn 60.800 vụ việc; so với năm 2021, số vụ việc tòa án thụ lý tăng hơn 10.100 vụ việc. Trong khi đó, số lượng thư ký đang làm việc tại TAND TP.HCM là 117 người; tại TAND các quận, huyện là 252 người.
Cụ thể như ở TAND TP Thủ Đức thụ lý 5.880 vụ việc, có 34 thư ký; TAND huyện Bình Chánh thụ lý 2.727 vụ việc, có 17 thư ký.
Đáng chú ý, trao đổi với PV, ông Huỳnh Thạch Vũ, Chánh án TAND huyện Củ Chi, cho biết tòa thụ lý khoảng 3.500 vụ việc các loại chỉ với 13 thư ký.
Đặc biệt là ông Lê Thuần Phong, Chánh án TAND quận 7, cho biết tòa có tám thư ký trong khi năm 2022 tòa thụ lý khoảng 2.500 vụ việc. Như vậy, tính ra mỗi thẩm phán quận 7 giải quyết trung bình 120 vụ việc/năm. Một thư ký tiến hành tố tụng cho ba thẩm phán. Tính nhẩm cũng dễ thấy một thư ký giải quyết trung bình 360 vụ việc/năm.
Giữ lại 10% biên chế cho ngành tòa án
Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2023 của TAND Cấp cao tại TP.HCM, Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết Bộ Chính trị đã đồng ý giữ lại 10% biên chế cho ngành tòa án thay vì phải giảm như kết luận trước đây. Số biên chế này phần lớn sẽ được dành để tuyển thư ký tòa.
Từ cuối năm 2022, TAND Tối cao đã cho một số tòa địa phương (Tiền Giang, Bến Tre…) tuyển 1/2 lượng thư ký từ các trường luật khác ngoài Học viện Tòa án.
Thư ký nghỉ việc, tiếc cho tòa lắm!
Ông Nguyễn Thanh Kha (từng là kiểm sát viên phụ trách công tác tại khâu kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, kiểm sát các vụ việc dân sự của VKSND quận Tân Bình) kể rằng nhiệm vụ của một thư ký tòa án hiện nay còn nặng nề hơn rất nhiều so với kiểm sát viên.
Ông Kha cho biết trong công việc trước đây, thư ký tòa còn tạo điều kiện giúp ông cùng hoàn thành nhiệm vụ như trao đổi, đề nghị ông bổ sung tài liệu, chứng cứ mà ông cung cấp chưa đầy đủ, giúp tránh được việc hồ sơ bị tòa trả để điều tra bổ sung. Vụ án mà bị tòa trả để điều tra bổ sung sẽ ảnh hưởng đến thi đua của bản thân ông cũng như của đơn vị.
Ông Kha đánh giá tình trạng một thư ký làm việc cho nhiều thẩm phán tuy giúp nâng cao vai trò trách nhiệm của thẩm phán, buộc thẩm phán phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, tiến hành tố tụng, tìm giải pháp để giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật chứ không giao việc hết cho thư ký, ỷ hết việc vào thư ký nhưng lại gây ra nhiều hệ lụy.
Theo ông Kha, việc quá nhiều gây khó khăn cho thư ký trong việc phát triển bản thân, nâng cao nghiệp vụ. Chẳng hạn, thư ký không có thời gian để “học nghề thẩm phán” như nghiên cứu các văn bản pháp luật, học cách vận dụng quy định của pháp luật vào vụ việc cụ thể rồi nghiên cứu hồ sơ, tham mưu giúp thẩm phán đường lối giải quyết án…
“Yêu cầu công việc ngày càng nhiều hơn nhưng lương thì như cũ, nhiều thư ký đã nghỉ việc. Những thư ký làm gần chục năm, nhiều kinh nghiệm, chuyên môn tốt, nếu họ nghỉ việc thì tiếc cho tòa lắm. Phải chục năm sau mới đào tạo được một thư ký giỏi, đủ năng lực nhận nhiệm vụ thẩm phán. Quy định giảm biên chế phù hợp xu hướng chung. Tuy nhiên, đối với tòa án, nhất là tòa án ở những địa phương như TP.HCM, lượng công việc mỗi năm một tăng. Vì vậy, bổ sung biên chế lại là việc cần làm. Giờ chỉ tiêu thẩm phán bị siết lại nên chưa biết tương lai khi nào thư ký được thi thẩm phán, ảnh hưởng đến động lực làm việc” - ông Kha nói.
Việc nhiều nhưng thu nhập chưa tới 8 triệu/tháng
Thư ký tòa thực hiện công việc hành chính, tiếp nhận đơn, thư của người dân. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Trả lời PV, một thư ký làm việc gần chục năm tại TAND TP Thủ Đức cho biết lương của anh chỉ hơn 6 triệu đồng, tính cả phụ cấp thì tổng thu nhập khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng.
Số tiền này cũng chỉ đủ để thuê một căn hộ chung cư ở TP Thủ Đức, nói gì đến việc đủ trang trải các khoản chi phí khác cho cuộc sống gia đình và bản thân.
Anh cho biết sống ở TP.HCM, chỉ cần chăm chỉ thì nhìn đâu cũng thấy cơ hội kiếm tiền. Tuy nhiên, việc được trở thành thẩm phán là niềm mong mỏi từ tuổi thiếu niên vì tình yêu với sự công bằng, lẽ phải. Do đó, anh vẫn miệt mài với công việc thư ký, chờ ngày được làm thẩm phán. Chính vì vậy, công việc cuốn anh đi, có muốn làm thêm để cải thiện thu nhập cũng không còn thời gian.