Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hy vọng sẽ loại bỏ mối lo ngại về cam kết của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với châu Á-Thái Bình Dương và thu hút chú ý của ông Trump đến khu vực này. Báo Japan Times của Nhật ngày 17-1 đã nhận xét như trên.
Các nhà phân tích ghi nhận các nước châu Á đang thận trọng quan sát xem với quan điểm “nước Mỹ trên hết”, ông Trump có tiếp tục thúc đẩy Mỹ duy trì vị thế trong khu vực bằng hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông hay không.
Đối với lo ngại ông Trump sẽ thực hiện chính sách thương mại nhằm bảo hộ Mỹ nhiều hơn, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2017, Thủ tướng Abe đã khẳng định với các nước về tầm quan trọng của tự do thương mại, bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), là yếu tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng khu vực.
Một nhà ngoại giao cấp cao Nhật giải thích về chuyến công du của ông Abe: “Cần phải đào sâu quan hệ song phương với các nước châu Á trong thời kỳ bất định này… Nếu ông Trump nhận thấy châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chủ yếu trong quá trình phát triển của Mỹ và tiếp tục là khu vực hấp dẫn về kinh tế, Nhật hy vọng ông ấy sẽ không có bất kỳ thay đổi nào trong chính sách tái cân bằng ở châu Á”.
Chuyên gia Masafumi Iida ở Viện Nghiên cứu Quốc phòng quốc gia (Nhật) lưu ý trong tháng vừa qua, Bắc Kinh đã tiến hành một số động thái biểu dương sức mạnh quân sự. Đặc biệt Trung Quốc đã đưa tàu sân bay duy nhất chạy quanh Đài Loan qua tuyến đường biển Hoa Đông, biển Đông và eo biển Đài Loan nhằm phát tín hiệu Trung Quốc tìm đường sang Tây Thái Bình Dương.
Từ đó ông nhận xét: “Sự hiện diện của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương là cần thiết để ngăn chặn hành động cứng rắn của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông”.Ông ghi nhận Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ và mở rộng yêu sách chủ quyền trên biển Đông, tuyến hàng hải Bắc Kinh sử dụng để nhập khẩu dầu từ Trung Đông. Ông dự báo: “Cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ở biển Đông sẽ gia tăng. Viễn cảnh này ít có khả năng thay đổi ngay cả sau khi ông Trump nhậm chức”.
Báo Japan Timesghi nhận chuyến công du vừa qua của Thủ tướng Abe còn là nỗ lực để bảo vệ TPP. Trong khuôn khổ chính sách xoay trục sang châu Á, TPP cũng được dự kiến trở thành nền tảng củng cố quan hệ an ninh. Chuyên gia Sugio Takahashi ở Viện Nghiên cứu Quốc phòng quốc gia đánh giá: “Không có TPP, chính sách châu Á của Mỹ sẽ mất thế chủ động trong khi Trung Quốc có thể lợi dụng tình hình để gia tăng ảnh hưởng”.