Thủ tướng: Hiệu quả quy hoạch tổng thể quốc gia phải cân đo đong đếm được

(PLO)- Việt Nam lần đầu tiên xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia với tư duy mới, tầm nhìn mới để tìm kiếm không gian, cơ hội phát triển mới, tạo nên những giá trị mới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 20-4, Chính phủ tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) có ý nghĩa rất quan trọng và được xây dựng dựa trên Định hướng QHTTQG đã được Hội nghị lần thứ 6 Trung ương khóa XIII thông qua tại Kết luận số 45-KL/TW ngày 17-11-2022.

Thủ tướng nêu rõ QHTTQG lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta là quy hoạch vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực KTXH. Do đó, việc QHTTQG được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 là một bước quan trọng và có thể được đúc kết lại trong 12 chữ "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới".

Thủ tướng yêu cầu sau khi các quy hoạch được phê duyệt, phải có các dự án, đề án cụ thể, bố trí nguồn lực để thực hiện, mang lại hiệu quả cân đong đo đếm được, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng lưu ý 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện QHTTQG

Thủ tướng lưu ý 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện QHTTQG. Ảnh: VGP

Sau khi lưu ý 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các cấp từ trung ương đến địa phương nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ về QHTTQG mà Quốc hội đã giao, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Bộ, cơ quan Trung ương và của địa phương mình.

Kịp thời xử lý vấn đề phát sinh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc giám sát, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương mình.

Cạnh đó, cần khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao chủ trì ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 81/2023 của Quốc hội, khẩn trương hoàn thành việc lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong năm 2023, đảm bảo phù hợp, thống nhất và đồng bộ với QHTTQG.

Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch, nếu có mâu thuẫn với quy hoạch cao hơn thì trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch cho chủ trương điều chỉnh. Kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Thủ tướng nhấn mạnh: Việc làm quy hoạch đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn nữa. Việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của QHTTQG là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, cần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền.

6 vùng KT-XH, 4 vùng động lực quốc gia, nhiều hành lang kinh tế

Theo QHTTQG, Việt Nam phát triển 6 vùng KT-XH và động lực, hành lang kinh tế.

6 vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; Vùng Đồng bằng sông Hồng; Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam Bộ; Vùng ĐBSCL. Mỗi vùng có một mục tiêu và sứ mệnh riêng.

QHTTQG cũng xác định 4 vùng động lực quốc gia gồm: vùng động lực phía Bắc, vùng động lực phía Nam, vùng động lực miền Trung và vùng động lực ĐBSCL với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Thủ tướng và các đại biểu bấm nút khai trương cổng thông tin về quy hoạch quốc gia. Ảnh: VGP

Thủ tướng và các đại biểu bấm nút khai trương cổng thông tin về quy hoạch quốc gia. Ảnh: VGP

Các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030 gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam và 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài – TP HCM - Vũng Tàu.

QHTTQG cũng xác định từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế trong dài hạn gồm: Hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và 6 hành lang kinh tế Đông - Tây, bao gồm: Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; Cầu Treo - Vũng Áng; Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm