Chiều 13-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp.
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 kinh tế của tỉnh phục hồi và tiếp tục phát triển ổn định. Tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 8,62%, quy mô kinh tế đạt 100.000 tỉ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 62,1 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 1,5 tỉ USD, tăng 34% so với năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, GRDP tăng trưởng 5,89% (xếp thứ 6 khu vực ĐBSCL). Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) được tập trung thực hiện, giúp ổn định kinh tế. Các ngành hàng lúa gạo, thủy sản, xoài, hoa kiểng phát triển mạnh theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất nguyên liệu thô đến các khâu chế biến tinh gia tăng giá trị nông sản gắn kết với thị trường.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp. Ảnh: HD |
Trong khu vực ĐBSCL, Đồng Tháp có sản lượng lúa xếp thứ 3 (hơn 3 triệu tấn/năm); diện tích trồng xoài xếp thứ nhất; sản lượng cá tra xếp thứ nhất. Nông sản Ðồng Tháp đã tiếp cận được các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Đặc biệt mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số đã hình thành và phát triển mạnh ở Đồng Tháp, tạo ra những chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao. Cụ thể, đã có trên 357 sản phẩm OCOP, xếp thứ 3 cả nước.
Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp đạt được thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Đáng chú ý Đồng Tháp đã xác định rõ mục tiêu phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững; phát triển dựa trên chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chăm lo nguồn nhân lực, coi yếu tố con người là quan trọng nhất. Với 15 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Đồng Tháp tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.
Mục tiêu Thủ tướng đặt ra cho Đồng Tháp là phát triển nhanh, toàn diện, bao trùm, bền vững, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, quan hệ tốt với nước láng giềng Campuchia.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải có đề án tổng thể để xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.
Chấp thuận nhiều chủ trương
Tại buổi làm việc Thủ tướng cũng cho ý kiến đối với một số đề xuất kiến nghị của Đồng Tháp. Cụ thể, Thủ tướng đồng ý chủ trương thành lập "Trung tâm đầu mối nông sản và thuỷ sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười" tại tỉnh Đồng Tháp, kết nối với Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ;
Chủ trương xây dựng mới Bảo tàng Đồng Tháp Mười tại Khu di tích Gò Tháp (dự kiến mức đầu tư 305 tỉ đồng) và yêu cầu tỉnh khẩn trương lập dự án cụ thể và chủ trương thành lập Trung tâm hỗ trợ Chuyển đổi số khu vực ĐBSCL đặt tại tỉnh Đồng Tháp.
Đồng thời Thủ tướng cũng đồng ý chấp thuận cho tỉnh quy hoạch phát triển 1.300 MW điện mặt trời (dự án điện mặt trời nối lưới) trong Quy hoạch điện VIII của quốc gia …
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đến viếng, thắp hương mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Thủ tướng cùng đoàn công tác đã đến thăm nhà máy chế biến gạo của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam tại Cụm công nghiệp Trường Xuân, huyện Tháp Mười.
Đến thăm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười), Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động của Hợp tác xã, đang đi đúng chủ trương, đường lối của Đảng là xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tại công trình cao tốc Cao Lãnh – An Hữu. Ảnh: HD |
Thủ tướng nhấn mạnh tính đổi mới tư duy về nông nghiệp, phải chuyển đổi số, số hóa đồng ruộng; tiếp tục phải tích tụ ruộng đất, xây dựng thương hiệu, bảo đảm có vùng nguyên liệu ổn định. Bên cạnh đó người nông dân phải có hỗ trợ của khoa học công nghệ; ngân hàng phải có chính sách ưu tiên về vốn và doanh nghiệp phải cam kết hợp tác ổn định với nông dân, hợp tác bền vững.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đến kiểm tra thực tế các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh như: tuyến tránh Quốc lộ 30 qua địa bàn huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh; dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.
Đối với cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, Thủ tướng yêu cầu, chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị bảo đảm tiến độ, chất lượng, chống tham nhũng, tiêu cực đội giá, phấn đấu hoàn thành dự án trước tháng 12-2025. Bên cạnh đó phải lưu ý đến vấn đề môi trường, an toàn lao động…