Chiều 24-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về giao ngân sách nhà nước thực hiện việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Theo đó, Thủ tướng cho rằng an ninh, an toàn đường sắt là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Ngành đường sắt có nhiều đặc thù, chịu sự chi phối của nhiều luật như Luật Ngân sách, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đường sắt. Bên cạnh đó, có hệ thống đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt phức tạp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/QUANG HIẾU
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp khẩn trương gỡ vướng về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Đồng thời, phải bảo đảm thực hiện đúng, tuân thủ quy định pháp luật, trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Như PLO đưa tin, trước khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào tháng 12 hằng năm, Bộ GTVT thực hiện việc giao dự toán vốn ngân sách cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Sau đó, đơn vị sẽ thực hiện đặt hàng dịch vụ công ích với 20 công ty trực thuộc nhằm kịp thời thực hiện đảm bảo an toàn chạy tàu như: duy tu, bảo trì, tuần đường, gác chắn, hệ thống thông tin tín hiệu…
Tuy nhiên, sau khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT không thể thực hiện việc giao dự toán ngân sách theo cơ chế như trên. Lý do là vì khoản 1 Điều 49 Luật Ngân sách quy định: Sau khi Chính phủ, UBND giao dự toán ngân sách, các đơn vị dự toán cấp I ở trung ương và địa phương thực hiện phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới…
Trước tình hình trên, từ ngày 1-1-2020, 20 doanh nghiệp công ích thuộc VNR đang thực hiện dịch vụ công ích không được ký kết hợp đồng. Việc này tiềm ẩn rủi ro an toàn chạy tàu lớn.
Mặc dù không đúng nhưng VNR vẫn phải chỉ đạo 20 doanh nghiệp này tiếp tục thực hiện các dịch vụ công ích đang làm để đảm bảo an toàn chạy tàu. "Nhưng chúng tôi hiểu rằng việc sử dụng mệnh lệnh hành chính không thể kéo dài lâu. Vì hiện nay các đơn vị đều báo cáo lên là không có nguồn để chi trả tiền lương cho 11.315 công nhân tuần đường, gác chắn…; có những đoạn ray hỏng không có tiền mua vật tư..." - lãnh đạo VNR thông tin.