Đề xuất bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT, BT...
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng có lẽ rất tự hào khi báo cáo với Thủ tướng rằng, bộ mình đã có nhiều chuyển biến tích cực, vượt lên chính mình, đi tiên phong trong cải cách. Đơn giản bởi bộ luôn đề xuất bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới xin - cho, lợi ích nhóm. Những gỡ bỏ này là nhằm để nền kinh tế hoạt động phù hợp với nguyên tắc thị trường.
Các đề xuất có thể kể đến như bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT, BT, bãi bỏ quy hoạch sân golf... “Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, số DN đăng ký thành lập mới gia tăng cao, thu hút đầu tư nước ngoài càng ngày càng cạnh tranh…”, Bộ trưởng Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ KH&ĐT giữ vững được ngọn cờ cải cách, luôn đi đầu trong đổi mới, nhất là trong công tác kế hoạch hóa. Đề cập đến định hướng “bứt phá” mà Thủ tướng và Chính phủ đã xác định trong năm 2019, Bộ trưởng Dũng nói Bộ KH&ĐT sẽ tập trung vào các trọng tâm bứt phá về lực lượng sản xuất, phát triển mạnh khu vực tư nhân, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực.
“Tất cả phải trong tinh thần đổi mới, sáng tạo, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng”, Bộ trưởng Dũng xác định rõ.
Năm 2018, Bộ KH&ĐT có nhiều hoạt động đáng chú ý. Đặc biệt là việc thành lập mạng lưới sáng tạo, đổi mới Việt Nam, quy tụ các chuyên gia giỏi người Việt trên thế giới. Bộ trưởng Dũng cũng đẩy mạnh việc thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Tất cả đều nhắm đến mục tiêu phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo gắn liền với ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tuy vậy, trong định hướng bứt phá, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh tới sự bứt phá của các cực tăng trưởng, các địa phương đầu tàu của cả nước, trong đó có Hà Nội, TP.HCM cũng như 4 vùng kinh tế trọng điểm. Để làm được điều này, theo Bộ trưởng Dũng, cần phải thúc đẩy và gắn quá trình này với việc xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế.
“Chúng ta phải nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở mọi cấp, mọi ngành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khắc phục căn bản tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và “kinh tế 4.0 nhưng quản lý mới 1.0”, Bộ trưởng Dũng nói.
Bãi bỏ “xin – cho” là tiến bộ
Đồng tình với những báo cáo của Bộ trưởng Dũng, Thủ tướng cho rằng, một trong những kết quả nổi bật là hoàn thiện thể chế, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Luật này đã góp phần bãi bỏ những quy hoạch vô lý, phi thị trường cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Ghi nhận việc bộ đề xuất bỏ những quy định có thể tạo ra xin – cho như giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT, BT, bãi bỏ quy hoạch sân golf, Thủ tướng nói: “Bãi bỏ cơ chế xin-cho là hướng tiến bộ, là hướng chính của chúng ta”.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng biểu dương Bộ KH&ĐT trong công tác tham mưu cho chính phủ ban hành nghị quyết về chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp trong tinh thần tiên phong, nắm bắt cơ hội.
Đề cập đến Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, Thủ tướng nói: “Chúng ta tính sót trong GDP rất lớn. Lần này, các đồng chí đã chốt lại, đưa phương án trình Thủ tướng”.
Thủ tướng cho rằng hệ thống thể chế phải đảm bảo được đầy đủ quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo và hiện thực hóa được những ý tưởng, đề xuất đổi mới sáng tạo.
Đặt hàng với Bộ KH&ĐT, Thủ tướng đề nghị Bộ phải hiến kế bứt phá nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế-xã hội không chỉ trong năm 2019 mà còn trong dài hạn. Bên cạnh việc kiến tạo thể chế nhằm tạo ra đột phá trong các thập niên tới, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT đề xuất các giải pháp để Việt Nam thoát được bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, bẫy bãi rác thải công nghệ nhằm tiến tới “độc lập, tự cường và thịnh vượng”.
“Làm sao Bộ KH&ĐT tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ xóa được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Trong phường anh có người chết mà anh mang giấy chứng tử tới tận nhà để chia buồn hay nhà có người mới sinh thì anh mang hoa đến tặng. Anh có làm được việc đó không? Mình phải có việc làm cụ thể vì dân”, Thủ tướng cụ thể và sau đó nhắc tới việc cần thúc đẩy kinh tế tư nhân.
“Chúng ta hoàn toàn có quyền mơ ước và nỗ lực hành động hơn nữa để trở thành một đất nước phát triển, xã hội văn minh, người dân có cuộc sống hạnh phúc”, Thủ tướng nhắc tới khát vọng này và nêu định hướng, tầm nhìn vào năm 2030 là Việt Nam hướng tới một xã hội khá thịnh vượng. Năm 2045, theo Thủ tướng, Việt Nam phải nằm nhóm có thu nhập trung bình cao phát triển thịnh vượng.
Cuối cùng, Thủ tướng cho rằng, để đạt được các mục tiêu trên, Bộ KH&ĐT cần nỗ lực, sáng tạo hơn nữa, phát huy, huy động mọi nguồn lực, cần đánh giá, hiểu rõ mục tiêu, những định hướng chiến lược, các lĩnh vực cần tập trung cải cách, đổi mới, tiếp tục xây dựng thể chế vượt trội, hiệu quả hơn.
“Bộ phải luôn phấn đấu xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp về phát triển kinh tế-xã hội quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng kết luận.
Đừng ngại thay đổi Ngạn ngữ có câu: “Đừng ngại thay đổi. Bạn có thể mất một cái gì đó tốt nhưng bạn có thể đạt được một cái gì đó còn tốt hơn. Rõ ràng thời gian qua chúng ta đã thấy được hiệu quả của thay đổi thể chế và điều này khích lệ chúng ta quyết tâm, đồng lòng tiếp bước trên con đường này. Chúng ta cần có một cách tiếp cận toàn diện, gồm 3 trụ cột chính trị, xã hội và môi trưởng để hiện đại hóa thể chế kinh tế. Chúng ta không được coi nhẹ tầm quan trọng của trụ cột nào trong phát triển kinh tế vì các trụ cột sẽ không mang lại cho chúng ta sự bền vững, thịnh vượng và hạnh phúc. Mọi tổ chức, cá nhân có toàn quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo; hệ thống thể chế phải đảm bảo được đầy đủ quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo và hiện thực hóa được những ý tưởng, đề xuất đổi mới sáng tạo. Những nguyên tắc này cần được áp dụng đầy đủ và nhất quán trong việc soạn thảo, tham vấn, thẩm định và thông qua các văn bản, chính sách, đề án. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |