Thủ tướng: Xử lý ngay những tồn tại kéo dài

Sáng 4-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để đánh giá tình hình sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2019.

Không bàn lùi

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhận định nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều tiếp tục phát triển ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, các tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng cao trong ngắn hạn cũng như trung hạn tuy còn có một số khó khăn trước mắt. Cụ thể, ADB dự báo tăng trưởng 6,8% năm 2019, WB dự báo tăng trưởng 6,6%, IMF dự báo tăng trưởng 6,5%... Theo bình luận của IMF, “nền kinh tế Việt Nam vẫn kiên cường trước những “cơn gió ngược”.

Về những hạn chế còn tồn tại, Thủ tướng nhấn mạnh là vẫn còn một bộ phận nhũng nhiễu, tiêu cực, lơ là, bê trễ trong công việc, kể cả lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Từ đó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần chấn chỉnh ngay tình trạng này, không để đến khi vi phạm phải xử lý, mất cán bộ.

Cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng còn tình trạng nói hay, làm dở, làm chậm, trách nhiệm thấp, kể cả chuyển lòng vòng, cấp dưới kêu ca, người dân chờ đợi.

Ông đề nghị các bộ trưởng, tư lệnh ngành thể hiện trách nhiệm của mình để tiếp thu, lắng nghe và xử lý nhanh những vấn đề đang tồn tại kéo dài.

Thủ tướng nêu hàng loạt vấn đề mà “ai cũng thấy” như quy hoạch, dự án BT, sân golf, các công trình “giậm chân tại chỗ”, giải ngân chậm. Còn nhiều vấn đề tồn tại trong thực hiện thể chế, văn hóa, đạo đức xã hội, vi phạm ở một số địa phương, bộ, ngành cần phải được xử lý…

“Chúng ta cần có thái độ nhìn nhận nghiêm túc để thấy được trách nhiệm nhưng đặc biệt là tìm được giải pháp khắc phục trong sáu tháng cuối năm” - Thủ tướng nói, đồng thời nhấn mạnh “không ai bàn lùi, mà phải bàn tiến để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. Ảnh:TTXVN

Giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân Thủ Thiêm

Liên quan đến kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa ban hành, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Có ý kiến thắc mắc thanh tra chưa đề cập đến việc giải quyết khiếu nại của người dân về ranh quy hoạch.

Ông Khái thông tin: Ngày 4-7, Ban Tiếp công dân Trung ương đã phối hợp cùng chủ tịch UBND TP.HCM vận động 28 hộ dân khiếu nại, đồng thời cam kết trong tháng 7 này sẽ có xử lý, giải quyết dứt điểm.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhưng nội dung trùng lặp nhau là do luật quy định có nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Cạnh đó, các cơ quan quyết định kế hoạch thanh tra, kiểm tra không tập trung. Thủ tướng đã có chỉ thị chấn chỉnh việc này.

Theo nguyên tắc, ở đâu có quyền lực, ở đó có kiểm soát quyền lực. Ở đâu có lãnh đạo chỉ đạo, điều hành thì có cơ quan thanh tra, giám sát giúp cho việc chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, tổ chức hiện nay, theo luật và theo quy định của Đảng, có chồng chéo… Về lâu dài, phải tính toán tổng thể để tránh chồng chéo.

Tổng Thanh tra Chính phủ LÊ MINH KHÁI 

Giải thích rõ hơn, tổng Thanh tra Chính phủ cho biết liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm có hai kết luận. Kết luận đầu tiên ngày 14-3 về ranh quy hoạch. Theo quy hoạch của TP đối chiếu với quyết định của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ xác định diện tích ngoài ranh quy hoạch là 4,3 ha. Hiện người dân khiếu nại. Theo quy định của pháp luật, UBND TP.HCM phải có quyết định giải quyết khiếu nại lần một, lần hai. Nếu người dân tiếp tục chưa đồng tình, cơ quan chức năng tiếp tục căn cứ theo quy định của pháp luật để giải quyết.

“Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, chúng tôi rất băn khoăn về yêu cầu giải quyết bức xúc của người dân, đặc biệt là ranh quy hoạch” - ông Khái bày tỏ. Tuy nhiên, ông cho rằng cần thông tin, tuyên truyền và vận động người dân để mọi yêu cầu, bức xúc của người dân được giải quyết theo đúng quy định.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ sớm thông qua nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.

Ông cũng kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt đề án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước TP.HCM giai đoạn 2019-2020. Đồng thời, Thủ tướng sắp xếp có buổi làm việc với TP.HCM vào giữa tháng 7 để tháo gỡ giải quyết các vướng mắc, khó khăn đối với các dự án trọng điểm chậm triển khai.

Trong sáu tháng cuối năm, ông Phong cho biết TP.HCM sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó ông nhấn mạnh việc sẽ thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý nhà nước và thực hiện quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Không thể biến Việt Nam thành chỗ buôn lậu ma túy

Trong một diễn biến khác, kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ngày 4-7 ông đã ký đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Theo đó, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và các cơ quan có liên quan thực hiện việc này theo tinh thần cương quyết xử lý nghiêm theo pháp luật nếu vi phạm.

“Các địa phương như TP.HCM, Hà Nội càng làm mạnh vấn đề này. Anh không thể biến Việt Nam thành chỗ buôn lậu ma túy. Không thể biến Việt Nam thành chỗ không phải hàng Việt Nam mà dán hàng Việt” - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm