Trong văn bản lấy ý kiến sửa Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương góp ý về việc bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản. Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất đánh thuế tài sản nhất là bất động sản (BĐS) để hạn chế đầu cơ. Bên cạnh đó có nhiều chuyên gia cho rằng khó thực thi nếu chưa quản lý được thông tin giao dịch BĐS.
Còn nhiều băn khoăn
Có quan điểm ủng hộ đề xuất cần có luật thuế tài sản để chống đầu cơ BĐS, giúp hạ giá nhà, ông Đức Chung (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết hiện nay có tình trạng những người có tiền ôm nhiều nhà đất, bắt tay với cò sang tay “ảo” để tạo sốt, thổi giá đất. Từ đó khiến mặt bằng giá BĐS bị đẩy lên cao, người dân thu nhập thấp khó mua được nhà. Vì vậy, đánh thuế tài sản nên áp dụng với người giàu, người có nhiều nhà đất, người có từ căn nhà thứ hai trở lên.
Đa số chuyên gia cho rằng thuế tài sản để đánh vào giới đầu cơ nhằm bình ổn thị trường. Ảnh minh họa: QUANG HUY
Đồng tình, anh Quốc Dũng (quận 7) cho rằng thuế tài sản để chống đầu cơ đất đai găm giữ đất nhưng không ở, không sử dụng, thậm chí bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách.
“Thuế tài sản sẽ tạo nguồn thu ngân sách ổn định, khuyến khích sử dụng có hiệu quả đất đai, đưa BĐS về đúng giá trị thực của nó, giúp giảm giá nhà” - anh Dũng kỳ vọng.
Tuy nhiên, cũng có luồng quan điểm ngược lại. Anh Việt Dũng (TP Thủ Đức) cho rằng nếu đánh thuế theo giá trị căn nhà không kể căn nhà đầu tiên hay thứ hai là bất hợp lý. Vì đối với căn nhà đầu tiên, đa số người dân đều phải đi vay mượn mới có được.
“Gia đình tôi mua căn hộ hơn 2 tỉ đồng nhưng tiền vay hết 1/2. Mỗi tháng trả lãi ngân hàng đã quá vất vả nay lại gánh thêm thuế thì vô lý quá” - anh Dũng nói.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, hiện nay khi mua đất xây nhà người dân đã phải chịu nhiều khoản thuế, phí. Đơn cử là thuế sử dụng đất ở, VAT cho các loại vật liệu xây dựng, lệ phí trước bạ, phí công chứng, phí cấp mới giấy chứng nhận… Vì vậy, khi đưa ra thuế tài sản cần có sự điều chỉnh hợp lý mức thuế suất của các loại thuế, tránh tình trạng thuế chồng thuế.
“Cần quy định chuyển nhượng BĐS phải thông qua ngân hàng, không dùng tiền mặt thì mới có thể nắm được thông tin giao dịch, giá trị tài sản. Từ đó, thuế tài sản áp dụng được công khai minh bạch, đảm bảo công bằng” - ông Thịnh nói.
Cần đồng bộ về quy định pháp luật
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (Hiệp hội DN TP.HCM) ủng hộ đề xuất đánh thuế tài sản. Theo ông, người nào có nhiều tài sản, sử dụng nhiều nguồn lực xã hội thì phải trả phí, thuế để đảm bảo công bằng xã hội.
Tuy nhiên, luật thuế tài sản phải bảo vệ người yếu thế, người dân thu nhập thấp chưa đến mức phải đóng thuế. Ví dụ, trước đây, cơ quan thuế có đưa ra phương án đánh thuế tài sản dựa trên giá trị căn nhà với phần giá trị vượt trên 700 triệu đồng. Mức này ở thời điểm hiện tại là thấp vì giá nhà đất đã tăng rất cao.
Nếu đánh thuế trên giá trị căn nhà thì phải dựa trên giá thị trường. Ví dụ, với mặt bằng giá BĐS hiện nay thì giá trị xác định để đóng thuế phải trên 3 tỉ đồng. Ví dụ, căn nhà thứ nhất trị giá 5 tỉ đồng thì phần giá trị vượt trên 3 tỉ là 2 tỉ đồng sẽ phải chịu thuế tài sản. Tiếp đó đối với căn nhà thứ hai, thứ ba sẽ giảm phần giá trị vượt như căn nhà thứ hai phần giá trị vượt 2 tỉ đồng phải chịu thuế; căn thứ ba thì phần vượt 1,5 tỉ đồng phải chịu thuế.
Ngoài ra, nhà có sử dụng hay bỏ trống, lãng phí tài nguyên xã hội thì mức đánh thuế tài sản phải khác nhau.
Để làm được điều này thì Nhà nước cần có chế định về thẩm định giá cho đúng. Trước hết, cần một thị trường thống nhất, không thể giá bồi thường người dân thì giá khác, đánh thuế tài sản lại giá khác. Cần sự đồng bộ giữa các luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS… đưa thị trường nhà đất về một giá thống nhất.
“Khi đó sẽ thiết lập được dữ liệu thông tin giá sàn từng khu vực, từng căn nhà như các nước khác. Có được giá sàn thống nhất mới nghĩ đến chuyện đánh thuế tài sản dựa trên giá trị căn nhà được” - ông Nghĩa đánh giá.
Ở một góc khác, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng: “Thuế tài sản nên nhắm đến vào BĐS mà chủ sở hữu không sử dụng, không cho thuê để tránh đầu cơ. Chỉ nên đánh thuế vào người có nhiều nhà đất, người có căn nhà thứ hai để hạn chế đầu cơ” - LS Hậu góp ý.•
Nhà nước cần điều chỉnh lại bảng giá nhà đất sát với giá thị trường, khi bồi thường giải phóng mặt bằng cũng phải theo giá thị trường. Luật sư NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nhiều nước đánh thuế chuyển nhượng tài sản Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, nhiều nước trên thế giới đã đánh thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau. Việt Nam không nên sao chép cách đánh thuế tài sản của các nước khác mà phải từ thực tiễn đánh giá tác động trong nước. Nhiều nước đang áp dụng thuế chuyển nhượng tài sản chứ không áp dụng thuế đánh vào giá trị tài sản. Như Trung Quốc, trước đây từng thí điểm đánh thuế tài sản với người có từ căn nhà thứ hai nhưng sau một thời gian không hiệu quả, thậm chí tác động xấu đến thị trường BĐS, đóng băng hoạt động mua bán, khiến ngân sách thất thu nhiều hơn. Vì vậy, hiện nay đa số các nước chỉ có thuế chuyển nhượng tài sản, đối tượng nhắm vào là người giàu vì nhóm này mới thường xuyên mua bán BĐS. Khi người dân mua bán căn nhà từ thứ hai trở đi thì phải đóng mức thuế chuyển nhượng tài sản cao. |