Thuốc lá không hình ảnh cảnh báo mặc sức tung hoành

Vậy tại sao các loại thuốc lá không in hình ảnh cảnh báo lại không bị xử lý, để mặc sức tung hoành…

Đánh vào tâm lý người mua

Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết người hút thuốc lá đều thích mua những loại thuốc không có in hình ảnh cảnh báo. Để phân biệt hai loại thuốc lá này, họ gọi thuốc lá không có hình ảnh cảnh báo là loại cũ, còn thuốc lá có hình ảnh cảnh báo là loại mới. “Những bao thuốc lá mới in hình ảnh hư răng, lao phổi… trông sợ quá. Do đó ở đây ai cũng thích mua loại thuốc cũ hơn, dù giá các loại thuốc cũ đắt hơn loại thuốc mới” - anh N., một nông dân ở thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, nói.

Thuốc lá không in hình ảnh cảnh báo được bày bán ở khu vực ĐBSCL.

Chúng tôi vào các chợ có bán thuốc lá sỉ ở khu vực huyện An Biên và nhận thấy phản ánh của người dân là chính xác. Ở các chợ này, hầu hết bày bán các loại thuốc lá cũ, không có hình ảnh cảnh báo. Những loại thuốc lá cũ thường có giá đắt hơn thuốc lá mới gấp rưỡi trở lên, có loại cao hơn 20.000 đồng/bao. “Ở đây chủ yếu bán thuốc lá cũ vì thuốc mới không ai mua. Tháng trước, đại lý có tặng tôi một cây thuốc có in hình nhưng đến giờ vẫn không bán được” - chủ một cửa hàng tạp hóa ở chợ Thứ Ba (thị trấn Thứ Ba) nói. Chúng tôi thắc mắc tại sao đã có quy định bắt buộc phải in hình cảnh báo trên vỏ thuốc lá nhưng cửa hàng vẫn bày bán toàn thuốc lá không có hình? Chủ cửa hàng tạp hóa phân bua: “Đại lý họ có hàng thì mình lấy bán thôi, chứ bán hàng mới không ai mua thì lấy làm gì”. Đây cũng là cách giải thích của hầu hết chủ tạp hóa bán sỉ thuốc lá ở khu vực An Biên.

Sao không xử phạt?

Trong khi đó, một số ít cửa hàng bán thuốc lá loại mới thì lại không bán được hàng. “Ở đây người dân chủ yếu hút loại thuốc bình dân và họ chuộng loại cũ (loại không có hình) hơn vì loại mới có nhiều hình ảnh trông rất sợ. Cửa hàng của tôi bán loại mới nên ế ẩm, hầu như không bán được” - chủ một tiệm tạp hóa ở chợ Thứ Bảy (huyện An Biên) than phiền về việc mình chấp hành tốt quy định của Nhà nước nhưng lại không thể cạnh tranh với những tiểu thương khác.

Khảo sát thêm ở tỉnh Tiền Giang, chúng tôi nhận thấy các loại thuốc lá bình dân (như Yett, Ngựa kéo xe) không in hình ảnh cảnh báo vẫn được bày bán tràn lan, từ các điểm bán sỉ đến các điểm bán lẻ. Người bán cũng viện lý do do đại lý cung cấp hàng nên họ cứ bán, còn chuyện quy định của Nhà nước về in hình ảnh trên bao bì là chuyện của nhà máy sản xuất thuốc lá.

Thuốc lá không hình ảnh cảnh báo ở đâu ra?

Chúng tôi đến một đại lý phân phối thuốc lá lớn ở tỉnh Tiền Giang để mua hàng. Thật dễ dàng, chỉ cần nói muốn mua thuốc lá loại cũ là lập tức nhân viên của đại lý lấy thuốc ra giao ngay, bao nhiêu cũng có. Hỏi vài tháng nữa có còn thuốc lá loại cũ không, nhân viên bán hàng ở đây gật đầu.

Tương tự, chúng tôi tiếp cận một đại lý phân phối thuốc lá ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) và dễ dàng mua được nhiều cây thuốc lá không in hình ảnh cảnh báo. Quan sát trên bao bì, chúng tôi nhận thấy các loại thuốc lá không có hình ảnh cảnh báo được sản xuất vào tháng 12-2013. Trong khi đó, Nghị định 77/2013/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá) có quy định bắt buộc tăng diện tích in hình ảnh cảnh báo trên bao thuốc lá đã có hiệu lực từ 15-9-2013.

HOÀNG THIÊN

Theo các chuyên gia về tâm lý, việc in các hình ảnh cảnh báo tác hại đến sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá sẽ có tác dụng làm cho người hút thuốc thấy sợ hoặc e ngại, qua đó hạn chế hút thuốc lá. Hình ảnh cảnh báo được in với kích thước càng lớn, càng ấn tượng thì càng làm tỉ lệ người hút thuốc lá giảm đi. Do đó việc không in hình ảnh cảnh báo trên bao thuốc lá sẽ có tác dụng ngược lại, đi ngược lại chủ trương của nhà nước về bảo vệ sức khỏe người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm