Ngày 4-12, đoàn công tác do ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về công tác thực hiện chính sách pháp luật về văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, đoàn đã dành một buổi chiều để đi thực địa khu du lịch Hồ Mây của Công ty CP Du lịch cáp treo Vũng Tàu cùng cụm dự án thủy cung Hòn Ngưu - nơi đang tạm dừng thi công do khi triển khai còn có những quan điểm trái chiều dư luận.
Ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) kiểm tra thông tin dự án.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã đặt ra với lãnh đạo tỉnh, sở, ngành các vấn đề về đất đai, triển khai dự án, đánh giá tác động môi trường, cảnh quan liệu có ảnh hưởng tới di tích lịch sử Bạch Dinh, dù theo quan sát di tích cách mặt biển 30 m, dự án thủy cung dự kiến cao 20 m. Đồng thời, vấn đề doanh nghiệp (DN) có nợ thuế 18 tỉ đồng như báo chí phản ánh, việc xử lý sai phạm về xây dựng khi chưa có giấy phép xây dựng của Công ty Hồ Mây… cũng được đoàn công tác nhắc tới.
Báo cáo với đoàn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay trước khi phê duyệt dự án thủy cung Hòn Ngưu, tỉnh đã tiến hành các bước đúng quy định để điều chỉnh quy hoạch chi tiết, đánh giá tác động về môi trường có hội đồng là chuyên gia đầu ngành. Về đất đai, DN có một số sai phạm đã được tỉnh kết luận, đang trong quá trình khắc phục.
Riêng về phần ảnh hưởng cảnh quan di tích Bạch Dinh, theo tỉnh là không có vi phạm. Khi thẩm định, tỉnh cũng đã có những yêu cầu khắt khe với chủ đầu tư để tăng không gian tiếp cận biển cho người dân. Còn thông tin DN nợ tiền thuế đất 18 tỉ đồng, tỉnh đã kiểm tra lại thấy thông tin trên chưa chính xác khi công bố ra ngoài…
Tỉnh cũng sẽ làm việc với DN để xác định phần ký quỹ đầu tư dự án thủy cung và các tiểu hạng mục dự án còn lại. Liên quan tới việc DN chưa có giấy phép xây dựng “con” cho từng căn biệt thự mẫu dù đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trên Núi Lớn, TP Vũng Tàu cũng đã xử phạt hành chính, yêu cầu DN ngừng xây để hoàn thiện thủ tục.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng kiến nghị trung ương, bộ, ngành cần sớm ban hành những quy định cụ thể để hướng dẫn các địa phương trong quy hoạch, cấp phép, quản lý các loại hình dịch vụ du lịch; việc triển khai xây dựng các dự án du lịch ở những vị trí "đắc địa" như mặt tiền biển, núi...
Ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) đánh giá khu vực Bãi Trước, vị trí dự án Hòn Ngưu, là một trong những vị trí đắc địa nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để phát triển du lịch. Do đó dự án có thể triển khai nhưng khi làm cần đánh giá thật kỹ, chặt chẽ về môi trường, quy định của pháp luật, xứng tầm với vị trí của dự án.
Theo ông Bình, từ năm 1998, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã quy hoạch khu vực Hòn Ngưu để làm thủy cung, sau đó DN mới xin đầu tư. Quy hoạch thể hiện tầm nhìn xa về phát triển du lịch của lãnh đạo tỉnh thời ấy cho toàn khu vực Bãi Trước. Tôn trọng lịch sử thực hiện dự án nhưng hiện nay khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cần có tầm nhìn ở hiện tại, tương lai năm năm sau, thậm chí tận tới năm 2045… để đánh giá toàn diện hơn.
Thời điểm phê duyệt tự án không phải xin ý kiến của Bộ VH-TT&DL về cảnh quan có ảnh hưởng di tích hay không. Nhưng theo ông Bình, tỉnh cần phải có ý kiến của bộ. Đoàn cũng sẽ có ý kiến về việc sớm ban hành các quy định pháp luật để triển khai xây dựng dự án ở những vị trí đắc địa như đề xuất của tỉnh...
Được biết trong tháng 12-2019, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng sẽ họp lại để đánh giá, quyết định "số phận" dự án thủy cung Hòn Ngưu.