Thủy điện Hòa Bình mở rộng: EVN vay 1.900 tỉ không bảo lãnh Chính phủ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã tổ chức lễ ký kết thỏa ước tín dụng cho khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 70 triệu Euro, tương đương 1.900 tỉ đồng.

Chiều ngày 10-11, lễ ký chính thức đã được diễn ra dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, khoản vay này sẽ phục vụ dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, chiếm khoảng 20% tổng mức vốn đầu tư.

Lãnh đạo hai bên ký thỏa ước tín dụng khoản vay không bảo lãnh Chính phủ cho dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Ông Herve Conan, Giám đốc AFD tại Việt Nam cho biết, tiếp nối những thành công trong những năm gần đây trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, AFD và EVN quyết định mở rộng hợp tác đối với dự án trọng điểm chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Việc ký kết này, phù hợp với những tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP 26, chứng tỏ sự tin tưởng mà EVN dành cho AFD; Đồng thời đánh dấu tham vọng của EVN trong việc phát triển năng lượng bền vững phù hợp với chiến lược "100% Thỏa thuận Paris" của AFD tại Việt Nam. 

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN cho biết: Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng và các dự án thủy điện mở rộng khác đều nằm trong chiến lược phát triển năng lượng xanh và bền vững của EVN.

Vị trí xây dựng dự án nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện tại. Dự án được khởi công vào tháng 1-2021, dự kiến phát điện tổ máy 1 vào quý II-2024, tổ máy 2 và hoàn thành công trình vào quý IV-2024.

Qua đó không chỉ tăng cường công suất thủy điện của EVN mà còn tăng cường tính bền vững và hiệu suất của hệ thống điện trong bối cảnh năng lượng tái tạo phát triển rất mạnh ở miền Bắc Việt Nam. EVN đánh giá cao sự hỗ trợ của AFD trong hơn 20 năm hợp tác chặt chẽ giữa AFD và EVN, đặc biệt thông qua các khoản vay ưu đãi không có bảo lãnh Chính phủ và nhiều hỗ trợ kỹ thuật có giá trị cho EVN.

Trong thời gian vừa qua, với sự nỗ lực và quyết tâm cao của EVN và Ban Quản lý dự án Điện 1, việc tổ chức đấu thầu Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng qua mạng đã giúp rút ngắn thời gian thực hiện 2 tháng so với tiến độ đặt ra ban đầu đối với công tác lựa chọn nhà thầu.

EVN đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Điện 1 phối hợp liên danh nhà thầu tập trung nguồn lực, nhân lực, thiết bị tổ chức khởi công công trình và thi công đê quai hoàn thành trước giai đoạn tích nước của hồ chứa Hòa Bình hiện hữu; đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, triển khai hệ thống quản lý HSE (sức khỏe - an toàn - môi trường), tuân thủ nghiêm các quy trình kiểm soát để giảm thiểu tác động đến môi trường - xã hội trong quá trình triển khai xây dựng dự án.

Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ mang lại các hiệu quả như: Tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Bắc, đặc biệt là trong các giờ cao điểm; góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống.

Bên cạnh đó, nhờ tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả hàng năm, dự án sẽ tăng thêm sản lượng phát điện trung bình mỗi năm khoảng 495 triệu kWh, giúp thay thế sản xuất điện từ nguyên liệu hóa thạch, góp phần giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra khi đưa vào vận hành, Dự án còn mang lại hiệu quả giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 480 MW, tổng mức đầu tư 9.220 tỉ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm: 30% nguồn vốn tự có và 70% vốn vay thương mại, trong đó vay nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ là 70 triệu EUR từ AFD và số còn lại vay từ ngân hàng thương mại trong nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm