Theo nhìn nhận của Ủy ban Kinh tế, tỉ giá bình quân liên ngân hàng được giữ khá ổn định trong năm 2013, biên độ giao dịch giữ ở mức khoảng 1%. Ổn định tỉ giá đã đóng góp tích cực vào việc kiềm chế lạm phát và không tạo các cú sốc bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, giữ ổn định tỉ giá trong thời gian dài đang ẩn chứa một số nguy cơ. Tỉ giá thực gia tăng và tiền VND đang được định giá cao, theo đó, yếu tố tâm lý vẫn có tác động lớn đến tỉ giá.
Mặc dù điều chỉnh tỉ giá để cải thiện cán cân thương mại là khó đạt được trừ khi chúng ta thay đổi cơ cấu sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu, nhưng việc giữ ổn định tỉ giá trong thời gian dài khiến tỉ giá bị dồn ép, nguy cơ phá giá và biên độ phá giá gia tăng khi kinh tế đảo chiều hoặc khi lãi suất trong nước giảm làm giảm nhanh chóng các dòng vốn đang tận dụng lãi suất trong nước cao.
“Định giá cao tiền đồng trong thời gian dài cũng làm giảm động lực thay đổi cơ cấu sản xuất và xuất khẩu theo hướng tích cực (không khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ). Ngoài ra, neo cố định theo USD như hiện nay cũng khiến VND quá lệ thuộc vào USD và có thể đối diện với rủi ro biến động USD trên thị trường thế giới”- Ủy ban Kinh tế đánh giá.
Hơn nữa, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, tỉ giá cố định khiến việc kiểm soát lạm phát khó khăn hơn do phụ thuộc vào hiệu quả của các biện pháp trung hòa.
Trong năm 2013, NHNN đã mua tổng cộng khoảng 10 tỉ USD và trung hòa chủ yếu thông qua phát hành tín phiếu NHNN ở mức hơn 238.741 tỉ đồng. Mặc dù các biện pháp trung hòa có thể tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách có cơ hội lựa chọn linh hoạt các chính sách và giảm nhẹ sự đánh đổi giữa các mục tiêu chính sách ở một mức độ nhất định.
Tuy nhiên, quy mô trung hòa đang ngày càng lớn dẫn tới chi phí của biện pháp này ngày càng có xu hướng gia tăng, dẫn đến nguy cơ tăng cung tiền cao hơn khiến hệ thống trở nên dễ bị tổn thương và hệ quả là bất ổn vĩ mô.
TRÀ PHƯƠNG