Trước đó, từ ngày 9 đến ngày 10-4 hai đàn vịt nuôi trại của hộ ông Trương Thanh Trường (xã Lộc Hòa) và hộ ông Đặng Hương (xã Lộc An, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) có tổng số 6.500 con, thời gian nuôi 20 ngày, bất ngờ chết lên đến hơn 2.000 con.
Đàn vịt trước khi chết có biểu hiện thần kinh như xoay đầu, phân nhầy màu trắng, xanh, mắt đục mờ. Đặc biệt đàn vịt đã tiêm phòng vaccine dịch tả vào lúc 7 ngày tuổi và chưa đến tuổi tiêm phòng vaccine cúm thì phát bệnh.
Sau khi sự việc xảy ra, Chi cục chăn nuôi thú y đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Cơ quan Thú y vùng 3 và cho kết quả dương tính với cúm A/H5N6.
Đàn vịt nuôi 20 ngày, dương tính với cúm A/H5N6
Ngay trong chiều 10-3, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng chính quyền địa phương đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn vịt bị nhiễm bệnh, nhanh chóng triển khai vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, khu vực hố chôn gia cầm, thực hiện giám sát chặt chẽ các đàn gia cầm quanh khu vực có dịch. Đồng thời rà soát các đàn vịt còn lại trong phạm vi 3 km tiêm phòng bao vây vaccine cúm gia cầm, dịch tả vịt.
Ông Trương Thanh Trường, chủ một trại nuôi vịt, cho biết bắt đầu vào vụ thả nuôi mới gia đình đầu tư gần 200 triệu để mua thức ăn, cải tạo hồ nuôi và mua 4.500 vịt giống từ Hà Nội về thả nuôi. Đến hôm nay đàn vịt mới được 20 ngày thì tự nhiên lăn đùng ra chết hàng loạt.
"Tất cả tiền của vay mượn gia đình tôi đầu tư vào nuôi vịt nay mất trắng rồi. Cũng mong nhà nước có chính sách hỗ trợ để gia đình tôi tiếp tục chọn khu vực khác để chăn nuôi", ông Trường nói.
Chi cục cũng đề nghị UBND xã Lộc An và Lộc Hòa chỉ đạo việc xử lý tiêu hủy các đàn vịt bị bệnh triệt để, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không khuyến khích người dân nuôi mới trong thời gian có dịch bệnh.